MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Việc hạch toán, sử dụng quỹ chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi.

Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành từ năm 2009.

Mở đầu phiên chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng nay, Trưởng ban Dân nguyện - Trần Thế Vượng đã đọc báo cáo giám sát thực hiện kiến nghị cử tri trước các đại biểu quốc hội. Trong nhiều nội dung cử tri nêu, tình hình quản lý giá cả, sử dụng quỹ bình ổn, nạn thiếu điện, cắt cúp tràn lan và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là vấn đề nổi cộm.

Theo ông Trần Thế Vượng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá. Những năm trước, giá bán lẻ xăng dầu đều do Nhà nước ban hành, quyết định. Tuy nhiên, từ năm 2007, Chỉnh phủ quyết định cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ trên cơ sở thị trường. Và đến năm 2009, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập. Quỹ này được trích từ giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu và được đặt tại doanh nghiệp và chỉ được sử dụng để bình ổn giá theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Sau hơn một năm thành lập quỹ, nhiều ý kiến cử tri cho rằng việc sử dụng quỹ chưa rõ ràng, phân bổ thiếu minh bạch, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều. Từ đó, cử tri kiến nghị nên bỏ quỹ bình ổn này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính kể từ khi lập quỹ đến 30/7/2010 quỹ bình ổn đã trích lập được trên 3.619 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp đã được sử dụng gần 1.050 tỷ đồng vào việc bình ổn giá, hiện còn trên 2.569 tỷ đồng tồn trong tài khoản của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng quỹ cho rằng việc lập, quản lý, sử dụng, hạch toán quỹ này hiện có nhiều bất cập, vướng mắc. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đề nghị quy định mức quỹ bình ổn giá hình thành bắt buộc tại doanh nghiệp tính trên doanh thu, được giới hạn phù hợp với yêu cầu bình ổn và đảm bảo tương quan hợp lý với lợi nhuận của doanh nghiệp (quy định hiện hành là không giới hạn).

Một số doanh nghiệp khác thì kiến nghị hiện nay, việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá nhưng lại tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này để giảm vốn vay và từ đó lại tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.

Trong khi đó, cử tri đã kiến nghị xem xét, bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì cho rằng dù khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm từ 300 - 500 đồng mỗi lít để đưa vào quỹ. Song, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ này như thế nào thì không rõ.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, Ban Dân nguyện nhận thấy việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Giá. Bởi Điều 6 của Pháp lệnh Giá quy định cụ thể về các biện pháp bình ổn giá thì không có biện pháp lập quỹ bình ổn giá.

Theo ông Vượng, Bộ Tài chính đã giải trình việc lập quỹ căn cứ vào Điều 5 Pháp lệnh Giá. Nhưng Điều 5 quy định về mục tiêu bình ổn giá trong đó có quy định: “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường…”. Những biện pháp cần thiết được áp dụng để bình ổn giá được đề cập tại điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của Pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định.

Ông Vượng cho biết mặc dù lãnh đạo Bộ Tài chính đã hai lần có văn bản giải trình về việc thành lập và sử dụng quỹ. Tuy nhiên, cả hai lần giải trình, nội dung hầu như không có gì khác. Từ đó, Ban Dân nguyện cũng khẳng định: Không có cơ sở để lập quỹ này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành hơn 2 ngày để chất vấn 4 Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Là người nhận được nhiều chất vấn nhất, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ đăng đàn đầu tiên để giải trình về các vấn đề nóng như cung ứng điện, quản lý xuất nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu và đặc biệt là quản lý khai thác bô xít.

Theo Hồng Anh

VnExpress

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên