MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị công khai các quỹ tài chính ngoài ngân sách

Yêu cầu của các đại biểu Quốc hội (QH) về quản lý chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã được Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) trình QH lần này.

Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 8 về vấn đề này, nhiều đại biểu QH đồng ý có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của NSNN, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi của các quỹ.

Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH. Tuy nhiên, các quỹ hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều Luật và Nghị định có tính chất chuyên ngành nên có phạm vi điều chỉnh đặc thù.

Do đó, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã trình QH chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp NSNN và điều kiện để NSNN hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách. Trên cơ sở các điều kiện Luật định, giao Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách và khi đó phạm vi hoạt động của các quỹ sẽ thu hẹp hơn, bảo đảm NSNN là thống nhất.

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo rà soát lại dự thảo Luật, bổ sung nhiều quy định so với Dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ 8 để quản lý các quỹ chặt chẽ hơn.

Cụ thể tại điểm c khoản 13 Điều 8 Luật NSNN (sửa đổi) trình QH tại kỳ họp lần này đã quy định: “Hàng năm, cơ quan quản lý quỹ báo cáo kế hoạch, quyết toán thu, chi của quỹ cho cơ quan tài chính. Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch, quyết toán thu, chi các quỹ do trung ương quản lý trình Chính phủ báo cáo QH; Sở Tài chính tổng hợp thu, chi các quỹ ở địa phương quản lý trình UBND cùng cấp báo cáo HĐND cùng cấp khi trình dự toán, quyết toán NSNN hàng năm”.

Tại phiên thảo luận vừa qua của QH, nhiều đại biểu QH quan tâm, cho ý kiến về quy định này.

Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), đây là vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay. Đại biểu cho rằng, quy định về mối quan hệ giữa NSNN và quỹ tài chính ngân sách là phù hợp. Tuy nhiên, theo ông những khoản sau đó lại quy định về quản lý, trách nhiệm báo cáo là không phù hợp.

Bởi vì theo đại biểu, đây là Luật NSNN nên chỉ điều chỉnh các mối quan hệ về NSNN chứ không điều chỉnh các mối quan hệ về các quỹ tài chính. Do vậy, ông Bùi Đức Thụ đề nghị bỏ các quy định về quản lý chế độ báo cáo của các quỹ tài chính. Để đảm bảo tính minh bạch và thẩm quyền QH, sẽ quy định vấn đề này trong Luật Kế toán đang sửa đổi.

Chia sẻ thông tin với các đại biểu QH, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay Quảng Ninh có 18 loại quỹ được lập theo đúng pháp luật, nhưng trừ quỹ bảo vệ môi trường, nhìn chung các loại quỹ này đều có quy mô nhỏ, nhất là quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội được coi là công cụ đòn bẩy tài chính tham gia vào các thành phần then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế.

“Các cơ quan quản lý cũng đa dạng, manh mún dẫn đến tình trạng thiếu tập trung, đối tượng bị tác động chồng chéo, không hiệu quả, do đó cần thiết phải bổ sung những chế tài kiểm soát về số lượng quỹ, cơ chế thanh tra, kiểm tra, quyết toán các loại quỹ, cơ quan chủ trì báo cáo và theo dõi”, đại biểu Đỗ Thị Hoàng kiến nghị.

Đồng tình với quy định của dự thảo Luật về công tác quản lý quỹ tài chính của nhà nước ngoài ngân sách, tuy nhiên theo đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), về nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, nên thu toàn bộ vào NSNN, sau đó làm dự toán chi, vì đây cũng là một trong những nguồn thu ngân sách của nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị nên công khai các nguồn quỹ. “Hàng năm, các quỹ này phải được quản lý và chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi đề nghị phải báo cáo kế hoạch, cũng như quyết toán thu chi với các cơ quan về quản lý tài chính”, đại biểu Khúc Thị Duyền nói.

Đối với các đơn vị có nguồn thu quỹ cao, với nguồn thu lớn ở diện rộng, có ý kiến đề nghị hàng năm phải báo cáo QH, với HĐND về nguồn thu quỹ này, tránh tình trạng nhiều quỹ hiện nay được thành lập và thậm chí có cả quỹ huy động của nhân dân, nhưng công tác công khai còn hạn chế.

Theo Minh Anh

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên