MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất xóa nợ tiền phạt, chậm nộp thuế: Đừng gây thiệt thòi cho DN làm ăn chân chính

Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành một số chính sách xóa nợ tiền thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, Bộ Tài chính vừa đề xuất xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31.12.2015.

Có nhiều ý kiến cho rằng, liệu việc này có thành tiền lệ? Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, sẽ không thành tiền lệ được, nghị quyết của Quốc hội ban hành cho một trường hợp cụ thể, trong một thời điểm ngắn hạn của nền kinh tế, không phải luật, nên sẽ không có tiền lệ. “Đây là giai đoạn khách quan, các DN khó khăn thực sự. Còn trong dài hạn, nếu DN làm ăn thua lỗ, phá sản, giải thể… sẽ thực hiện theo Luật Phá sản” - ông Thi nói.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu có xu hướng gia tăng; SXKD gặp nhiều khó khăn; thị trường BĐS trầm lắng cùng với thiên tai, hoả hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến SXKD và đời sống nhân dân. Do đó, nhiều DN kinh doanh thua lỗ không có khả năng nộp thuế đúng hạn, số lượng DN còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng.

Đối tượng được xóa nợ phải đáp ứng một trong các tiêu chí như: DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp trước ngày 1.1.2015 và chưa được gia hạn thời hạn nộp thuế; đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.

Đánh giá về chủ trương trên, giám đốc một DN kinh doanh ngành thép tại KCN Từ Sơn (Bắc Ninh) cho rằng, đây là sự chia sẻ của Nhà nước và DN, bởi thực tế, rất nhiều DN trong những năm qua làm ăn rất khó khăn, thậm chí phá sản rất nhiều… “DN đã khó khăn, phá sản, giải thể nên việc xóa nợ thuế là phù hợp với cơ chế thị trường” - ông này nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo một DN thuộc TCty Dệt May Vinatex thẳng thắn cho rằng, việc xóa nợ quan trọng là cần đánh giá đúng thực chất làm ăn của DN, tránh trường hợp báo lỗ, để trốn thuế, lậu thuế. Nếu làm tốt, một mặt vừa thể hiện chính sách “nhân đạo” của Nhà nước, một mặt vừa có thể giúp DN vực dậy tiếp tục làm ăn, giải quyết việc làm cho NLĐ. Làm thế nào để đừng gây thiệt thòi cho các DN làm ăn chân chính, minh bạch.

Theo Q.HÙNG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên