MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện lại gây khó

Ông Ngô Trí Long phân tích, có thể lạm phát không còn là nỗi lo trong bối cảnh hiện nay, nhưng tăng trưởng là điều cần bàn tới lúc này.

 Nhất là khi sản xuất đình đốn, thu nhập người dân còn khó khăn, nay hành xử không thận trọng có thể phá vỡ những nỗ lực kiềm chế lạm phát mà Chính phủ cố gắng thực hiện trong hơn một năm nay. “Nếu lạm phát trở lại, khó khăn cũng trở lại”, ông Long nói.

Đúng một ngày sau tuyên bố làm “an lòng dân” của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chiều 30/7: “Rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện”, EVN tuyên bố tăng giá bán điện.


Giá điện đến 50KWh/tháng vẫn không đổi

Mức tăng 5% giá bán điện bình quân, theo giải thích của EVN, do nguyên nhân chi phí phát điện tăng lên. Cụ thể là do tăng giá than và tăng giá khí. Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, EVN lần này không kêu lỗ mà chỉ nói nguyên nhân từ khách quan tăng giá đầu vào.

Nếu như vậy, họ đang “vin vào” Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ, khi văn bản này cho phép EVN được tự động tăng giá nếu chi phí đầu vào sản xuất biến động. Trong thông báo phát đi chiều 31/7, EVN cho biết, “giá than từ ngày 20/4/2013 đã tăng từ 37 - 41% tùy từng loại than”.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, năm 2013, ngành điện dự kiến tăng giá điện phải 15-20% mới đủ bù đắp chi phí nên với việc tăng 5% là mức thấp nhất mà ngành điện có thể tăng.

"Theo tiến trình, giá điện sẽ còn phải tăng nữa. Và với đợt tăng này còn thấp hơn so với dự kiến nên sẽ còn tăng giá nữa từ nay tới cuối năm, có thể là tháng 10 hoặc 11/2013"- ông Ngãi dự báo.

Nếu nhìn vào diễn biến giá từ đầu năm đến nay, do Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia công bố, điều dễ nhận thấy là biến động giá điện mạnh hơn trong khoảng thời gian từ lúc giá than bán cho điện được điều chỉnh tăng như trên. Nhưng về cơ bản, biên độ đường “hình sin” đã doãng rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

“Vì ngành điện toàn công bố một cục như vậy, giới chuyên gia chúng tôi không biết đường nào mà phân tích”, ông Long bình luận.

Cũng vì lý do trên, người dùng điện luôn tỏ ra không đồng tình với mỗi lần ngành Điện tăng giá. “EVN là doanh nghiệp độc quyền tự nhiên. Vì vậy, người ta luôn có tâm lý rằng, vì lợi ích của chính mình mà EVN quyết định tăng giá”, ông Long nói. Những yếu tố giúp minh bạch giá điện mà ngay cả ông Long, một chuyên gia có tiếng về giá cả, cũng phải đặt câu hỏi hoài nghi là: Tỷ trọng mua điện từ nguồn thủy điện như thế nào để giảm giá thành bình quân đầu vào? Năng lực quản trị của EVN ra sao? Tốn thất điện năng khắc phục đến đâu? Chi phí sản xuất, quản lý đã hợp lý chưa? Năng lực của cơ quan giám sát, thanh tra có đủ để khẳng định yêu cầu tăng giá của EVN là hợp lý?...

Điều ông Long nói từng được một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đề cập. Ông cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước luôn “bí mật” về kết quả hoạt động kinh doanh của mình và nêu dẫn chứng từ trường hợp của ngành Điện: sau mỗi buổi họp kết thúc, họ luôn thu lại tài liệu đã phát cho những người tham dự.

Nhưng “bất bình” lớn nhất là việc tăng giá điện trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân, kinh doanh của doanh nghiệp đang đầy rẫy bất ổn, bấp bênh. Ông Long lưu ý: “Sản xuất đang hết sức khó khăn, tồn kho lớn, chi phí đầu vào cao, doanh nghiệp lao đao. Vừa rồi đã tăng giá xăng, nay lại đến điện. Mà 5% là mức tăng giá không phải là nhỏ, khiến việc tăng lương từ 1/7 chẳng còn ý nghĩa gì cả”.

Một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê tính toán, việc tăng giá điện lần này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp qua chi phí đầu vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ, lạm phát theo năm sẽ bị đẩy lên thêm 0,3 điểm phần trăm nữa. Những ngành bị ảnh hưởng tăng chi phí đầu vào cao nhất gồm: nguyên liệu công nghiệp, xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng.

Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ bị “kéo” xuống khoảng 0,04 điểm phần trăm trong bối cảnh Chính phủ đang rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp để đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 5,5% - như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua.

Ông Ngô Trí Long phân tích, có thể lạm phát không còn là nỗi lo trong bối cảnh hiện nay, nhưng tăng trưởng là điều cần bàn tới lúc này. Nhất là khi sản xuất đình đốn, thu nhập người dân còn khó khăn, nay hành xử không thận trọng có thể phá vỡ những nỗ lực kiềm chế lạm phát mà Chính phủ cố gắng thực hiện trong hơn một năm nay. “Nếu lạm phát trở lại, khó khăn cũng trở lại”, ông Long nói.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội

Giá điện tăng sẽ khiến cho giá thành của các DN sản xuất tăng. Nhưng cái khó là tăng giá bán như thế nào để cho thị trường chấp nhận? Nhất là, hiện sức mua trên thị trường rất kém, doanh số bán lẻ 7 tháng qua chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm 2012, thì việc tăng giá như một cú đấm vào người tiêu dùng. Ba năm nay, giá cả tăng gấp đôi, gấp 3 trong khi trượt giá được bù vào lương của người hưởng lương hưu có 30%, cho nên đồng lương ngày càng teo tóp…

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Giá điện tăng 5% sẽ khiến giá thành sản xuất thép tăng thêm 30 - 50 nghìn đồng/tấn sản phẩm. Tồn kho còn nhiều và tiêu thụ khó khăn, khi chi phí đầu vào sản xuất tăng, doanh nghiệp cũng không dám tăng giá đầu ra, họ đành phải chịu thôi.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng

Giá điện tăng 5% khiến giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 70 nghìn đồng/tấn. Nói, “hò hét” cũng chịu, bởi vì giá điện tăng theo lộ trình. Xi măng không tăng giá đầu ra được mà vẫn phải tính thêm chi phí đầu vào, do đó, phải chịu lỗ.

Theo Anh Quân - Trường Sơn

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên