MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều trăn trở của Tổng Thanh tra Chính phủ

Sau hơn 4 năm ở cương vị đứng đầu ngành Thanh tra nhưng ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn luôn trăn trở về tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: Gần một nhiệm kỳ vừa qua (từ 2011 đến 2014), ngành Thanh tra đã triển khai thực hiện khá đồng bộ nhiệm vụ được giao với 34.553 cuộc thanh tra hành chính, 476.928 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế.

Ngành đã kiến nghị thu hồi 111.791 tỷ đồng và 18.714 ha đất; lập biên bản, ban hành 839.399 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 27.472 tỷ đồng; xử lý khác 56.230 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật 6.055 tập thể, 22.516 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 269 vụ, 323 người...

Nhìn chung, kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực, việc phát hiện, xử lý vi phạm nhiều hơn so với 4 năm đầu của nhiệm kỳ trước. Chất lượng, hiệu quả và kết quả thanh tra ngày càng được nâng lên. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng so với trước đây cũng có chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì số vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra còn ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao.

Nguyên nhân của vấn đề này là do một số quy định của pháp luật còn bất cập, kể cả quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Có nguyên nhân là hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện; các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về các dấu hiệu tham nhũng còn mức độ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan còn là do công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra có lúc, có nơi chưa quyết liệt. Trình độ, năng lực của một số công chức thanh tra thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; thời gian và nghiệp vụ thanh tra còn chưa đủ để chứng minh, xác định hành vi tham nhũng.

Tập trung thanh tra công tác QLNN

Trong năm 2015, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất các lĩnh vực mà dư luận quan tâm. Thực hiện tốt thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thanh tra các vụ việc do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước giao, gắn hoạt động thanh tra với công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ từng bước đổi mới công tác thanh tra, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đồng thời tăng cường hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Về lĩnh vực cụ thể, năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra công tác phòng chống buôn lậu; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý mua sắm tài sản; quản lý sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế và công trình y tế; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại một số doanh nghiệp và các chương trình mục tiêu; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và một số dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách nhà nước... Kết quả thanh tra sẽ góp phần phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng trên các lĩnh vực này.

Tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và có hiệu quả hơn đối với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, trọng tâm là việc công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt khó khăn, phiền hà của các tổ chức, cá nhân gắn với xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh làm mạnh.

Thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức gắn với từng bước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chú trọng xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, bảo đảm đúng pháp luật, gắn với việc kiểm tra thường xuyên việc quản lý, sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công; nâng cao trách nhiệm và xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra tham nhũng gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức…

Dám đương đầu, đấu tranh

Ông Huỳnh Phong Tranh chia sẻ thêm, "điều mà tôi khá tâm huyết và đã đưa vào kế hoạch 2015 là tập trung hoàn thành Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để có định hướng lâu dài về tổ chức và hoạt động của ngành, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành Thanh tra, nhất là Luật Thanh tra".

Năm 2015, ngành Thanh tra cũng sẽ nỗ lực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ hướng đến Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ IV.

Bên cạnh đó, ngành sẽ quán triệt và thực hiện có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Thanh tra Chính phủ vào ngày 16/3/2015 vừa qua.

Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn, ngành Thanh tra sẽ không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức trong ngành, quyết tâm phấn đấu thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức của ngành Thanh tra nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra thanh sạch, có bản lĩnh, có dũng khí, dám đương đầu đấu tranh, hy sinh vì lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân.

Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp tiếp tục hoàn thiện thể chế về pháp luật phòng chống tham nhũng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có chiến lược truyền thông về tình hình tham nhũng và công tác phòng chống gắn với khuyến khích, bảo vệ người dân tố cáo tham nhũng; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc cung cấp thông tin và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Cũng trong năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để tiến tới nghiên cứu việc sửa đổi toàn diện và luật hóa những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng… nhằm thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

 

Nỗi trăn trở của Thủ tướng

Theo Lê Sơn

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên