MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN mua nhà ga sân bay: Người dân liệu có được hưởng lợi?

Thời gian gần đây, Bộ GTVT liên tục nhận được các đề xuất của một số doanh nghiệp hàng không về việc mua lại sân bay và toàn quyền khai thác sảnh nhà ga T1, một việc mà trước nay chưa có tiền lệ. Vậy trước các đề xuất này, Bộ GTVT sẽ trả lời ra sao, và phía sau câu chuyện mua bán và nhượng quyền, thì người dân sẽ được lợi gì?

Vietnam Airlines cũng muốn mua Nhà ga hành khách T1, Nội Bài

Ngày 2/3, theo tin từ Bộ GTVT cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được mua Nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

“Đối với nhiều nước trên thế giới, các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ, để phục vụ riêng các chuyến bay, hành khách của mình khá phổ biến. Hình thức này phù hợp với chủ trương xã hội hoá cơ sở hạ tầng sân bay của Bộ GTVT” – văn bản do Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không Việt Nam Phạm Viết Thanh ký nêu rõ.

Từ đây, Vietnam Airlines đề nghị Bộ GTVT cho phép mua lại nhà ga quốc nội T1 tại CHK quốc tế Nội Bài để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay của Tổng công ty đi/đến (quốc nội) sân bay Nội Bài.

“Cách thức này sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong nhà ga để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện trong khai thác” – ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận lợi cho hành khách. Phương thức mua được Vietnam Airlines đề xuất là mua trực tiếp nhà ga T1, định giá theo quy định hiện hành. Vietnam Airlines sẽ huy động vốn của Tổng công ty, các doanh nghiệp có vốn góp đồng thời với việc huy động vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.

Hành khách làm thủ tục tại nhà ga quốc tế Nội Bài.

Hành khách làm thủ tục tại nhà ga quốc tế Nội Bài.

Xin được nhắc lại rằng, cách đây không lâu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại CHK quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm. Đề xuất này của Vietjet Air được nêu ra trong bối cảnh nhà ga T2 vừa được đi vào khai thác và toàn bộ nhà ga T1 đã được chuyển thành khu vực phục vụ khách đi các chuyến bay nội địa.

Bán hay nhượng quyền cũng cần cân nhắc kỹ càng

Trước đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, nhiều người đặt câu hỏi, nếu Bộ GTVT đồng ý bán, hoặc nhượng quyền khai thác, thì cuối cùng, người dân sẽ được hưởng lợi gì? Dù rằng, trong mỗi đề xuất, các doanh nghiệp đều có nhắc đến rằng, nếu họ được toàn quyền khai thác, hay có nhà ga riêng thì chất lượng dịch vụ sẽ được nâng lên, và chi phí có thể sẽ giảm đi. Vậy, quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?

Trên thực tế, lĩnh vực hàng không được nhận định là mảnh đất “màu mỡ” để đầu tư, phát triển và kêu gọi xã hội hóa. Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới đánh giá, tốc độ phát triển hàng không Việt Nam lọt vào TOP 10 thế giới, đây cũng là lĩnh vực nhận được sự ưu ái của nhiều nhà đầu tư nhất.

Vì vậy, tại một cuộc họp gần đây, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, những gì tư nhân có thể làm được trong lĩnh vực hàng không thì Nhà nước sẽ thoái hết vốn để tư nhân làm, chỉ những gì tư nhân không làm hoặc không được phép chi phối thì Nhà nước mới làm. Trong năm 2015, ngành Hàng không tập trung vào việc thí điểm bán 100% vốn Nhà nước tại sân bay Phú Quốc, nghiên cứu bán quyền khai thác có thời hạn một số cảng hàng không.

Sảnh làm thủ tục nhà ga quốc tế T2 Nội Bài.

Theo đó, ông Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thí điểm bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài cho Hãng hàng không Vietjet Air. Đối với đề xuất mua lại toàn quyền khai thác sảnh T1 sân bay này, xem xét bán có thời hạn 20 năm, hoặc 50 năm. Ngoài ra, nghiên cứu bán một phần sân bay Đà Nẵng ở khu vực cũ cho hãng hàng không giá rẻ để lấy vốn đầu tư nhà ga quốc tế.

Liên quan đến việc nên hay không cho phép Vietjet Air được nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách T1 Nội Bài, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng cần cân nhắc kỹ càng.

Tương tự, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công–tư Nguyễn Danh Huy bày tỏ: “Nếu nhượng quyền khai thác nhà ga T1 thì cần đưa vào thí điểm. Song song với đó, cần xây dựng cơ chế chung để nhượng quyền kết cấu hạ tầng hàng không khác”. Nhà ga hành khách T1 Nội Bài hiện có Vietnam Airlines đang khai thác các chuyến bay nội địa. Nhiều người e ngại, nếu nhượng lại toàn quyền khai thác thương mại cho Vietjet Air, dễ dẫn đến tình huống độc quyền, khó quản lý. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng cho hay, cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

“Để quản lý, tránh rơi vào độc quyền chúng ta sẽ có những điều khoản hợp đồng ràng buộc”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong tháng 4/2015, ACV phải trình Bộ GTVT phương án CPH để lấy vốn đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. “Chúng ta phải huy động được nguồn lực để xây dựng CHK quốc tế Long Thành ngang tầm thế giới. Nếu được Quốc hội thông qua có thể tính đến việc sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp, không cần vốn Nhà nước. Vốn từ CPH của ACV và tiền bán sân bay Phú Quốc, phát hành thêm trái phiếu mà không cần bảo lãnh của Nhà nước. Một hãng hàng không 4 sao thì cũng phải có dịch vụ, sân bay đi kèm tương ứng”, ông  Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Nhượng quyền khai thác sân bay: Bước đi phù hợp

Theo Thanh Huyền

PV

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên