MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ xô nuôi ngựa bạch

Nhiều hộ dân đã đua nhau vay tiền ngân hàng, thậm chí vay nóng bên ngoài để mua ngựa về nuôi. Nghề lái ngựa cũng phất lên.

 Chỉ có con ngựa bạch là ngày càng ít đi cả về số lượng cũng như chất lượng...

“Công nghệ” vỗ béo và... bán

Lang thang dưới cái nắng đổ lửa tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên), chúng tôi được người dân trong vùng cho biết, cách đây bốn năm, khi giá ngựa bạch thương phẩm tăng cao, nhiều người dân đã đổ xô đi mua ngựa bạch về nuôi. Ông Dương Quang Bách, một người nuôi ngựa ở đây cho biết, năm 2009, ông mua hai con ngựa bạch non với giá 40 triệu đồng về vỗ béo, tám tháng sau bán được 70 triệu đồng.

Do nghề nuôi ngựa bạch dễ ăn, nhiều hộ dân trong xã đã đua nhau vay tiền ngân hàng, thậm chí vay nóng bên ngoài để mua ngựa về nuôi. Từ một hộ nuôi ban đầu nay đã tăng lên gần 60 hộ, với 130 ngựa bạch. Xã Dương Thành đã thành lập hẵn một hợp tác xã nuôi ngựa bạch vào tháng 3.2011 với mục tiêu phát triển đàn ngựa theo hướng bảo tồn gen ngựa bạch, nâng cao số lượng – chất lượng ngựa thương phẩm, mở các dịch vụ buôn bán ngựa và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch. Tuy nhiên, theo một lái buôn ngựa có máu mặt tại Dương Thành, số lượng ngựa bạch ở đây tăng lên, giảm xuống như nước thuỷ triều, bởi khi giá chênh lệch là dân sẵn sàng bán qua tay và tất tần tật ngựa bạch đều trôi về các lò nấu cao.

12 giờ trưa, tại thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên – Bắc Giang). Sức nóng oi bức của mùa hè hình như không ảnh hưởng tới công việc buôn bán ngựa của người dân. Một thương lái tên V.T. sau nhiều ngày vượt đèo, lội suối tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã gom đủ một xe tải toàn ngựa bạch vừa về tới nhà. V.T cho biết, gần năm năm nay anh chuyên đi gom ngựa bạch từ miền núi về bán lại cho một doanh nghiệp dưới Hà Nội để ăn tiền chênh lệch. Nghề này có ăn nhưng vất vả, đôi khi phải đối mặt với nguy hiểm.

Bắc Giang không nổi tiếng về nghề nuôi ngựa như xã Hữu Kiên (Lạng Sơn), nhưng nơi đây lại là địa phương cung cấp giống ngựa bạch nhiều nhất cả nước. Anh Nguyễn Việt Hiển, xã Việt Tiến (Việt Yên – Bắc Giang) cho biết, Việt Yên có nhiều đại gia chuyên đi gom ngựa bạch nguyên liệu tại các tỉnh miền núi phía Bắc về cung cấp cho dưới xuôi và nhập giống ngựa bạch từ xuôi lên bán lại cho bà con vùng cao.

Về Hà Nội, chúng tôi ghé thăm trang trại ngựa bạch Vạn An thuộc công ty CP hội Thú y Việt Nam tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Cách đây một năm, đàn ngựa bạch của trang trại mới có trên 60 con, nay con số này đã xấp xỉ 100. Ngoài việc thanh lọc ngựa bố mẹ không sinh sản để nấu cao, số ngựa được tuyển chọn sẽ nuôi vỗ béo để bán cho các cá nhân và tổ chức nấu cao...

Vào vương quốc ngựa bạch

Xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng – Lạng Sơn đang nắm giữ trên 140 cá thể ngựa bạch thuần chủng (tương đương 1/2 tổng số ngựa bạch của cả nước). Hữu Kiên cũng được người dân xứ Lạng coi là “vương quốc ngựa bạch”.

Chúng tôi lên Hữu Kiên khi mặt trời đứng bóng. Xã Hữu Kiên đã quy hoạch hẳn gần chục quả đồi, vận động nhân dân trồng cỏ để chăn thả ngựa. Một đàn ngựa bạch đang nhởn nhơ gặm cỏ hiện ra trước mặt chúng tôi, đẹp vô cùng. Phát hiện có người lạ, con ngựa đầu đàn đeo chiếc chuông đồng dừng gặm cỏ, tung vó và hí vang cả núi rừng...

Theo GS.TS Hoàng Văn Tiệu, viện trưởng viện Chăn nuôi Việt Nam, hiện Việt Nam còn rất ít ngựa bạch thuần chủng (100%), chủ yếu phân bố tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), 15 cá thể ngựa bạch đang được bảo tồn gen tại trại ngựa Bá Vân (Sông Công – Thái Nguyên). Ngựa bạch lai tỷ lệ 3/4 và 1/2 trên cả nước ta hiện có khoảng 400 – 500 con.

Xã Hữu Kiên có trên mười điểm quy hoạch cho bà con chăn thả ngựa như thế. Mấy năm trước, giá ngựa bạch chưa sốt, nhiều hộ dân thường thả ngựa trong rừng, chỉ khi ngựa cái sắp sinh, hoặc chuẩn bị bán cho thương lái, người dân mới vào rừng tìm ngựa nhà mình mang về. Từ năm 2000, giá ngựa bạch tăng cao, người dân nghèo xã vùng cao Hữu Kiên trở nên khá giả, nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ nuôi ngựa bạch.

Ngựa đực bị săn lùng nhiều nhất với giá 60 – 70 triệu đồng/con trưởng thành và 40 triệu đồng một con ngựa đực non. Dân thương lái cho biết, ngựa bạch đực tỷ trọng xương cao, nấu cao không bị hao và quan trọng là phổi và bộ phận sinh dục của ngựa có giá rất cao, nhiều “thượng đế” phải đăng ký, xếp hàng đợi dài cổ mới mua được. Anh Nguyễn Văn Thiệp, thôn Mạ A, người có nhiều năm nuôi ngựa cho biết, đã có thời gian dài ngựa bạch ở đây mất cân bằng về giới, một con ngựa bạch đực có khi phải phối giống cho 10 – 12 hộ (khoảng 25 – 30 con ngựa cái).

Phải bảo tồn gen ngựa quý

Rượu bào thai ngựa bạch luôn hút hàng với giá cao.

Từ 15 hộ nuôi theo dự án của viện Chăn nuôi Việt Nam, 45 hộ nuôi tự phát, đến nay, con số này đã lên 200 hộ và đặc biệt hơn từ 130 cá thể ngựa bạch năm 2010, xã Hữu Kiên đã có trên 140 con. Ngoài ra, số lượng ngựa kim, ngựa lửa ở Hữu Kiên lên đến gần 1.000 con, đây là kho báu rất quý của người dân xã vùng sâu, vùng xa này. Dự án bảo tồn 50 cá thể ngựa bạch của viện Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với 15 hộ dân và chính quyền địa phương đang được thực hiện tại Hữu Kiên bước đầu đã đem lại kết quả nhất định.

GS.TS Hoàng Văn Tiệu, viện trưởng viện Chăn nuôi Việt Nam cho biết, cả nước có nhiều trang trại ngựa nuôi ngựa bạch nhưng chỉ riêng trại ngựa Bá Vân ở Thái Nguyên còn 15 con ngựa bạch thuần chủng và đại bộ phận ngựa bạch ở xã Hữu Kiên (Lạng Sơn) là thuần chủng.

Trạm trưởng trạm thú y huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) Nguyễn Ngọc Toan cho biết, trạm đang trực tiếp theo dõi dự án Bảo tồn gen 50 cá thể ngựa bạch tại xã Hữu Kiên, có 15 hộ tham gia dự án bảo tồn được tập huấn phòng bệnh, được hỗ trợ 300.000 đồng tiền mua thuốc men và thức ăn cho ngựa. Đây cũng là tín hiệu vui mỏng manh cho số phận loài ngựa bạch quý hiếm của Việt Nam.

Theo Lê Doãn Xuân

SGTT

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên