MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xăng dầu lãi “đậm”: Bộ Tài chính khẳng định không “ưu ái”!

Quy định mức chi phí kinh doanh đối với DN xăng dầu hiện nay đã được Liên Bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các DN đã thu thập được, trong đó có 2 báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 4 kết luận của Thanh tra Tài chính và các báo cáo của doanh nghiệp (đã được kiểm toán độc lập) gửi về Bộ Tài chính.

Có ý kiến cho rằng việc quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050 đồng/lít với xăng; 950 đồng/lít với dầu điêzen, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu madut) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg là ”ưu ái” cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp lãi “đậm”; trong khi một số doanh nghiệp tỏ ra “dè dặt” trong việc công bố kết quả kinh doanh; mập mờ lãi, lỗ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành, việc xây dựng giá cơ sở quy định làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ.

Trong giá cơ sở, tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 quy địnhchi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở. Trong đó, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức quy định nói trên có thể trùng, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn chi phí thực tế tại từng thời điểm của từng doanh nghiệp.

Việc quy định định mức như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì nó sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định 300 đồng/lít,kg được tính trong giá xăng, dầu.

Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận sẽ ít thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả.

Quy định mức chi phí kinh doanh như hiện nay đã được Liên Bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh nghiệp đã thu thập được, trong đó có 2 báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 4 kết luận của Thanh tra Tài chính và các báo cáo của doanh nghiệp (đã được kiểm toán độc lập) gửi về Bộ Tài chính.

Liên Bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào, mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh.

Theo quy định, hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh và rà soát, tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Liên Bộ sẽ tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế để có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát sinh tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg), đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường.

Theo Cục trưởng Cục quản lý giá, nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn, cụ thể: nếu so sánh 300 đồng/lít,kg tính trên giá bán xăng dầu hiện nay (18.530 đồng/lít xăng RON 92) thì tỷ suất lợi nhuận đạt 1,62%.

Trong thời điểm giá xăng dầu cao (ngày 19/6/2015 giá xăng RON 92 là 20.710 đồng/lít) thì tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,45%. Tỷ suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng tại các thời điểm tương ứng.

"Tuy nhiên, không phải bất cứ thời điểm nào doanh nghiệp cũng được lợi nhuận 300 đồng/lít,kg, thực tế có những thời điểm Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng, không tính hoặc không tính đầy đủ 300 đồng/lít,kg; ví dụ trong suốt thời điểm Quý I năm 2014" - ông Tuấn cho biết.

Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố BCTC quý 2/2015 với doanh thu thuần đạt 43.565 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của Petrolimex vẫn tăng lên 1.125 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,7 lần lợi nhuận cùng kỳ.

Lý giải về lợi nhuận tăng cao này, Petrolimex biết,sản lượng xuất bán xăng dầu quý 2/2015 của Tập đoàn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, trong điều kiện kinh doanh có hiệu quả nên đã làm cho quy mô lợi nhuận tăng so với cùng kỳ 2014.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên