MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cơ khí mất cả tỷ đô vì cơ chế đấu thầu

Mặc dù đã có chủ trương ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị trong nước. Song những bất cập trong cơ chế đấu thầu khiến cho các DN cơ khí nội địa khó “chen chân” được vào chuỗi cung ứng và phải “nhường” hàng tỷ USD mỗi năm cho các DN ngoại.

Đã có hàng loạt các văn bản của Chính phủ đưa ra như Chỉ thị 494 hay Nghị định số 63 về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu sử dụng vốn Nhà nước, hay ưu đãi cho sản phẩm trong nước.

Có chuyện “phân biệt, đối xử”?

Song một thực tế được các DN nội địa chỉ ra tại Hội thảo - Triển lãm Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được" do Báo Công Thương và Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/7/2015, là: vẫn đang có sự phân biệt đối xử với sản phẩm trong nước để loại bỏ sản phẩm nội địa hoặc ưu tiên cho hàng nhập ngoại khi đấu thầu.

Dẫn chứng từ thực tế của DN có thể thấy rõ điều này. Việc tìm cách tham gia vào chuỗi cung ứng các dự án xây dựng, năng lượng là bài toán không đơn giản với Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam. Ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết có tới 90% khách hàng của DN là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao tầng. Trong khi đó, tại các dự án, công trình có vốn ngân sách, các DN nội rất khó “chen chân” bởi hầu hết đều yêu cầu sử dụng thang máy nhập khẩu.

“Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trừ một số rất ít gói thầu chấp nhận thang máy sản xuất trong nước, còn lại đa phần đều yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN, hoặc phải có thương hiệu G7. Việc quy định như trên là vi phạm Luật Đấu thầu bởi Luật quy định không được nêu xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, những vi phạm trên không hề được xử lý trong nhiều năm qua, ngay cả khi hiện tượng đó lại là số đông”, ông Huy bức xúc nói.

Hay với Công ty Cổ phần Điện Trường Giang, tình trạng này cũng tương tự như vậy. Mặc dù DN này đã có thể sản xuất các loại tủ điện MV đạt tiêu chuẩn quốc tế. Song đến nay Điện Trường Giang mới chỉ tham gia vào được một số dự án của ngành điện tại phía Nam. Trong khi còn rất nhiều các dự án khác trên cả nước và trong các lĩnh vực công nghiệp khác, DN chưa được tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty, chỉ ra một thực trạng là tại các gói thầu ODA, tư vấn thiết kế nước ngoài thường viết hồ sơ kỹ thuật bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước. Do vậy, hầu hết các gói thầu quốc tế lớn, DN trong nước không có cơ hội tham gia thầu do hồ sơ yêu cầu nhiều điều kiện mà DN Việt Nam khó đáp ứng. Chưa kể, quy định phải chứng minh tỷ lệ nội địa hóa (>= 25%), song lại chưa có hướng dẫn rõ ràng để DN thực hiện.

Quy định “mở đường” cho hàng ngoại?

Ngay cả Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận, cơ chế đấu thầu hiện đang tạo nên rào cản khiến cho DN nội địa bị “đánh bật” ra khỏi chuỗi cung ứng. Phân tích cụ thể, đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng việc đánh giá, xếp hạng hồ sơ dự thầu không được quy định cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu.Dẫn đến, khi đánh giá hồ sơ dự thầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là xếp hạng hồ sơ dự thầu.

Những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Thực tế, có những sản phẩm trong nước sản xuất được, nhưng khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với sản phẩm, thì trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hoặc xuất xứ từ Singapore – Hàn Quốc - Thái Lan.

Thậm chí còn quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc. Như vậy, tuy các gói thầu này không tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng lại đưa ra các yêu cầu gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất và cung ứng trong nước. Trong khi vấn đề này chưa được quy định rõ trong Chỉ thị 494/CT-TTg.

Theo các DN, những quy định hiện nay đang “mở đường” cho việc nhập khẩu các sản phẩm thiết bị, máy móc, nguyên liệu của nước ngoài. Trong khi những DN cơ khí Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung ứng được, với rất nhiều lĩnh vực có thế mạnh. Nhìn vào cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, có thể thấy nhóm thiết bị, máy móc đang chiếm tỷ trọng lớn.

Dẫn chứng, trong 5 tháng đầu năm chỉ riêng nhập khẩu nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của DN là 11,49 tỷ USD, tăng tới 35,9% so với cùng kỳ. Việc nhập khẩu các mặt hàng này tăng mạnh đã khiến cho nhập siêu tăng cao, khi đạt tới hơn 3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Điều này đồng nghĩa, có thể có hàng tỷ USD mà DN ngành cơ khí Việt Nam có thể tận dụng được đang “chảy” ra nước ngoài do những bất cập của quy định đấu thầu?

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên