MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%

Cộng đồng DN mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế TNDN xuống 15%. Theo đó, nguồn thu ngân sách sẽ tập trung sang thuế đánh vào tiêu dùng (VAT), thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Diễn đàn “Các giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp 2014” diễn ra sáng ngày 07/01/2013 nhấn mạnh vào một giải pháp: DN hãy tự cứu mình trước khi trông chờ vào một động thái hỗ trợ nào từ bên ngoài. Nhận định năm 2014 khó khăn thách thức của DN vẫn nhiều hơn các yếu tố thuận lợi, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đại diện cho tiếng nói của các DN khuyến nghị những giải pháp.

Ông Sơn cho rằng, trong điều kiện như hiện nay, không thể dàn trải sự hỗ trợ của Chính phủ mà chỉ có thể tập trung trọng tâm trọng điểm vào những ngành nghề, mặt hàng có lợi thế cạnh tranh quốc gia mới làm cho DN tự tin, có cơ sở khi đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông nhận xét: dòng vốn trong xã hội đã chảy về thị trường chứng khoán, bất động sản một cách thái quá nhưng chúng ta lại không có công cụ hữu hiệu nào có thể điều tiết chỉ số giá chứng khoán và bất động sản tránh khỏi vòng xoáy bong bóng giá những năm tới đây.

Đất nước càng khó khăn càng cần có tích lũy và đầu tư vào SXKD. Người dân chỉ tự nguyện bỏ tiền vào TTCK khi thấy được sự tăng trưởng ổn định. Niềm tin của người dân sẽ tạo nên dòng vốn tốt cho SXKD của các DN thông qua TTCK.

Nhận xét về luật thuế thu nhập mới sửa đổi đã có hiệu lực ngày 1/1/2014, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá “những điều chỉnh lần này có tính sâu sát hơn với hoạt động SXKD”. Tuy nhiên để có sự cạnh tranh để dòng vốn, dòng đầu tư chảy về Việt Nam thì mức này chưa đủ sức hấp dẫn mạnh mẽ. Cộng đồng DN mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế TNDN xuống 15%. Theo đó, nguồn thu ngân sách sẽ tập trung sang thuế đánh vào tiêu dùng (VAT), thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều cần thiết là phải làm sao để thuế tiêu thụ đặc biệt trở thành công cụ quan trọng trong điều tiết thị trường tiêu dùng, lãng phí.

Ông Sơn cũng đề nghị “lấy mục tiêu xây dựng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cho từng ngành nghề cụ thể để xác định thời gian, liều lượng định hướng, điều tiết của nhà nước” bởi vì không thể phát huy tốt nguồn lực khi không biết rõ ràng thời gian bắt đầu và kết thúc những cú huých chính sách.

Việt Nam có nhiều lợi thế, mà nổi bật nhất là dân số đông, trẻ và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu vẫn diễn ra hằng ngày bất luận tình hình kinh tế ra sao. Song vấn đề đặt ra là DN Việt cung ứng được bao nhiêu phần trăm trong tổng cầu ấy.

Với kinh nghiệm thực tế hoạt động SXKD, ông Sơn cho biết, những năm qua, DN Việt thực sự rất nỗ lực nhưng đa số gục ngã trước những tập đoàn lớn trên thế giới. Các tập đoàn này sẵn sàng lỗ kế hoạch trong một thời gian dài để các DN Việt không cạnh tranh được mà phải tự rút lui. Họ sẵn sàng chi và lách luật chi cho quảng cáo nhiều hơn DN Việt rất nhiều để thương hiệu thống lĩnh thị trường. Từ đó, họ có điều kiện lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để tăng giá, sinh lời.

Trước tình hình đó, ông Sơn cho rằng phải có những biện pháp đồng bộ như xem xét kỹ các DN có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, không chỉ tuyên truyền vận động “người Việt dùng hàng Việt” mà phải có chính sách cụ thể như ban hành danh mục các mặt hàng có thể nhập khẩu…

“Tôi muốn nói một thực tế rõ ràng, đó là Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc rất cao. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta xây dựng chiến lược xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” – ông Sơn nhận định.

“Điều tất yếu là nếu chúng ta không xuất khẩu vào họ nhiều thì sẽ phải tiêu dùng sản phẩm của họ nhiều. Sự phát triển bền vững của các DN là ở việc tạo giá trị từ chế biến sâu chứ không phải chỉ xuất khẩu thô khi giao thương với Trung Quốc.”.

Quả thực việc do còn nhiều khó khăn nên chưa có nhiều DN Việt tham gia vào lĩnh vực này. Ông Sơn nhấn mạnh: “Tính thời điểm quyết định rất nhiều cho chiến lược và mô hình tăng trưởng. Có thể phải mất nhiều năm nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng giai đoạn tới sẽ có những DN thành công trên hướng đi này.”

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên