MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kỳ vọng vào TPP, bởi vì "người Việt nam luôn lạc quan..."

Có 32,7% DN cho rằng vẫn tồn tại sự không tương thích giữa Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành. 23,2% DN cho rằng Luật chưa bao quát vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI vừa công bố báo cáo Động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2014. Kết quả khảo sát đánh giá của Doanh nghiệp về tính hiệu quả của một số chính sách, văn bản luật cho thấy những chính sách của Nhà nước cần bổ sung “tính thực tiễn” hơn nữa.

Luật Doanh nghiệp không tương thích với văn bản hướng dẫn thi hành

Khi đánh giá về luật Doanh nghiệp năm 2005, có 32,7% DN cho rằng vẫn tồn tại sự không tương thích giữa Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành. 23,2% DN cho rằng Luật chưa bao quát vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn để bổ sung vào đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh.

Có 20,8% DN cho rằng Luật chưa đủ rõ ràng cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế, tạo ra sự thiếu nhất quán và công bằng khi áp dụng. 14,5% DN cho rằng Luật chưa hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đã chứng tỏ thiếu tính khả thi gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư. 8,9% DN cho rằng Luật chưa tương thích với các thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập quốc tế.

Không những thế, các quy định về chia tách, hợp nhất và sáp nhập trong luật DN bị nhiều DN phản ánh là còn bất cập và gây khó khăn lớn nhất cho DN. Thủ tục giải thể DN cũng vậy. Các quy định về vốn và góp vốn thành lập DN được ít DN đánh giá là còn bất cập nhất.

Trong khi đó, đây là văn bản luật được Doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất vì nó quy định trực tiếp các hoạt động của họ. Khi được hỏi quan tâm đến dự thảo Luật và Luật nào nhất, có 53,8% DN trả lời là dự thảo Luật DN sửa đổi.

Ngoài ra, có 9% DN quan tâm đến dự thảo Luật đầu tư sửa đổi, luật bảo hiểm xã hội, Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU. Luật dạy nghề được ít DN quan tâm nhất trong các dự luật, chỉ có 0,8%. Theo các nhà nghiên cứu của VCCI, đây là tín hiệu đáng quan ngại từ 2 phía. Từ phía DN là vấn đề nhận thức và từ phía nhà soạn thảo Luật là tính thực tiễn của dự thảo Luật. Trên thực tế, vấn đề kỹ năng nghề luôn là mối quan tâm sâu sắc của DN tuy nhiên hiện trạng đào tạo nghề không đáp ứng được yêu cầu của DN đòi hỏi dự thảo Luật dạy nghề cần có sự tham khảo kỹ hơn từ phía cộng đồng DN.

Hiệu quả của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp ở mức bình thường

Về sức hỗ trợ của một số điều sửa đổi và bổ sung Luật thuế TNDN có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, hầu hết các DN trả lời khảo sát cho rằng hiệu quả của các chính sách và giải pháp này hỗ trợ DN ở mức bình thường. Có 20% DN cho rằng những thay đổi này hỗ trợ rất ít hoặc không hỗ trợ gì vì nhìn chung các DN còn đang gặp khó khăn nên lợi ích từ việc giảm thuế suất thuế TNDN chưa cao.

Phản hồi đối với việc nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo và khuyến mại lên 10%, tỷ lệ DN đánh giá sự thay đổi này “có sự hỗ trợ tích cực và rất tích cực” không cao như mong đợi vì sự thay đổi này được cho là liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DN.

Luật thuế Giá trị gia tăng được đánh giá tích cực

Báo cáo cũng khảo sát đánh giá của doanh nghiệp về một số điều sửa đổi trong luật thuế GTGT như việc bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với một số dịch vụ bảo hiểm, bán nợ, hàng hóa của hộ, cá nhân có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu trở xuống; áp dụng mức thuế suất 5% đối với hàng hóa và dịch vụ bán, cho thuê và mua nhà ở xã hội; giảm 50% thuế suất từ thuế GTGT từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 6/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Kết quả cho thấy, có khoảng 55% doanh nghiệp cho rằng các giải pháp này hỗ trợ tích cực cho DN. Khoảng 28% DN cho rằng có hỗ trợ tích cực và rất tích cực và có khoảng 15% cho rằng các biện pháp này hỗ trợ rất ít và không có hỗ trợ gì. Như vậy, tỷ lệ DN đánh giá những sửa đổi và bổ sung này của luật thuế GTGT có tác động “tích cực và rất tích cực” cao hơn so với tỷ lệ DN đánh giá không tác động gì hoặc tác động ít. Điều này phản ánh phần nào sự hiểu quả của những thay đổi trong luật thuế GTGT đối với DN.

Hiệu quả của giải pháp 3 đột phá chiến lược chỉ ở mức bình thường

Trong khi đó, giải pháp 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn NSNN… bị 60% DN đánh giá là “hiệu quả bình thường”. Nhưng tỷ lệ DN đánh giá các giải pháp này “có hiệu quả và rất hiệu quả” cao hơn so với tỷ lệ DN đánh giá “không hiệu quả và rất không hiệu quả”. Trong các giải pháp này, chính sách giảm lãi suất tín dụng có tỷ lệ DN đánh giá “có hiệu quả và rất hiệu quả” cao nhất, chứng tỏ việc giảm lãi suất đã có tác động tích cực đến DN, giúp DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn vì được vay với mức lãi suất mà DN có thể hấp thụ được.

TPP màu hồng, là bởi "người Việt Nam luôn lạc quan"

Phần lớn các DN cho rằng ký kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ hỗ trợ tích cực các DN mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận được các thị trường lớn, được mua nguyên vật liệu từ các nước ký kết TPP với mức chi phí thấp và tăng cường khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên các DN cho rằng TPP chỉ hỗ trợ các DN có cơ hội tham gia đấu thầu minh bạch và công khai khi mở cửa thị trường mua sắm công ở mức bình thường.

Tuy nhiên, nêu ý kiến về kết quả khảo sát ý kiến DN về Hiệp định TPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO cho rằng, do TPP chưa được ký kết, các điều khoản chưa thực sự đi vào thực tế nên cảm nhận của DN về một thứ “chưa tồn tại” như TPP chỉ mang tính chất cảm tính theo các lý thuyết vẫn được nói. Cho nên, TPP có thực sự hữu ích cho các nền kinh tế nhỏ trong khối ký TPP hay không còn phải xem xét kỹ vì Hiệp định này có tới 29 chương, quy định về nhiều lĩnh vực và tác động tới nhiều góc độ khác của nền kinh tế. Vì vậy, bà Trang đóng góp ý kiến rằng câu hỏi khảo sát cần cụ thể hơn về từng ngành, từng lĩnh vực.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nói vui, bởi vì người Việt Nam luôn lạc quan nên khi được hỏi về một vấn đề mới, mà vấn đề ấy lại đang được Chính phủ bỏ rất nhiều công sức ra đàm phán, xúc tiến thì tinh thần lạc quan ấy đã thể hiện rất rõ. Họ đều cảm thấy TPP là một Hiệp định có lợi. 

>>> Ba Luật thuế sửa đổi bổ sung tác động đến TTCK thời gian tới

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên