MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng vì điện cắt liên miên

"Nắng nóng gây khô hạn kéo dài, nước trên các sông suối khô cạn, tình trạng không đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt là điều tất yếu".

"Điện lực thông báo lịch cúp điện nhưng lại thay đổi kế hoạch đột ngột khiến công ty không trở tay kịp, chậm thời gian giao hàng cho đối tác nên phải đền hợp đồng cả trăm triệu đồng", Giám đốc Trần Anh Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp của ông Tuấn kinh doanh ngành gỗ ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Những ngày qua địa bàn tỉnh thường xuyên bị cắt điện trong điều kiện nắng nóng khiến sản xuất đình trệ. "Dù công ty đã chữa cháy bằng cách đốc thúc công nhân làm bù ngày đêm cho kịp giao lô hàng, song vẫn chậm trễ so với hợp đồng khiến doanh nghiệp phải chịu thiệt", ông Tuấn nói.

Trong những ngày qua, các công ty xăng dầu của nhà nước lẫn tư nhân ở các địa phương miền Trung cũng đang loay hoay tìm máy nổ đối phó với tình trạng cúp điện. Ông Vương Thành Đồng, Giám đốc Công ty xăng dầu Quảng Ngãi nhẩm tính, mỗi ngày cúp điện công ty này phải chi phí dầu, nhớt chạy máy nổ cho 28 trạm xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, tốn khoảng 13 triệu đồng. Ông Đồng nói: "Đó là chưa kể những lúc máy nổ bị trục trặc, xe khách, container chở hàng dọc Quốc lộ 1A phải chờ đợi mất nhiều thời gian, trễ nãi công việc".

Hiện tại, điện lực Quảng Ngãi phải tiết kiệm khoảng 350.000 kWh điện mỗi ngày nên cắt năng lượng luân phiên ở các huyện cứ 4 buổi một tuần. Riêng thành phố Quảng Ngãi, điện bị cắt luân phiên vào thứ 7, chủ nhật theo từng khu vực.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vì tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong mùa khô năm nay. Theo đó, phải hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng sân vườn, hành lang, hàng rào, pano quảng cáo…; giảm 50% đèn chiếu sáng tại tuyến phố, quảng trường, công viên và nơi công cộng khác.

Tỉnh yêu cầu các sơ sở sản xuất bố trí lại ca làm việc để hạn chế làm trong giờ cao điểm. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng. Hạn chế sử dụng thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.

Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý các trường hợp lãng phí điện năng, vi phạm biểu đồ công suất đã đăng ký.

Tường Vi

Ông Nguyễn Tư, Giám đốc Sở điện lực Quảng Ngãi thừa nhận: "Do phải ưu tiên nguồn năng lượng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế Dung Quất và trung tâm thành phố Quảng Ngãi nên nhiều địa phương phải chịu mất điện ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân".

Theo ông Tư, khó khăn nhất là ngành điện cũng bị động về lịch cắt điện. Lý do, Tổng công ty điện lực miền Trung giao sản lượng điện điều tiết hàng ngày cho các tỉnh nên khó có thể thông báo chính xác cho người dân lẫn doanh nghiệp lịch cúp điện so với kế hoạch dự kiến, thông báo trước đó.

"Tháng 5, 6 nắng nóng còn hoành hành nên tình trạng cúp điện có thể sẽ tăng nhiều hơn", Giám đốc Sở điện lực Quảng Ngãi cho biết. Trước tình hình này, Sở điện lực Quảng Ngãi đang kiến nghị Tổng công công ty điện lực miền Trung xem xét, phân bổ điều tiết lượng điện giữa các tỉnh cho hợp lý. Nếu cắt điện kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Trong khi đó, theo Điện lực tỉnh Quảng Nam, kinh tế phục hồi, nhiều nhà máy hoạt động sản xuất trở lại nên nhu cầu sử dụng điện trong quý I của cả tỉnh đã tăng 63,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện rất nhiều khu vực trên địa bàn Quảng Nam phải chịu cảnh mất điện kéo dài từ 6h đến 22h30 mỗi ngày. Có nơi bị cắt điện hai ngày một tuần.

Hai Sở Điện lực Bình Định, Phú Yên cũng đã thực hiện luân phiên cắt điện 2 lần một tuần kéo dài từ 7h sáng cho đến 24h. Việc cắt điện kéo dài cả ngày đã khiến cho việc sinh hoạt, sản xuất địa phương bị đảo lộn.

Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung cho hay, trung bình mỗi ngày Tập đoàn điện lực Việt Nam phân bổ cho khu vực gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên khoảng 16,2 triệu kWh. Nếu cộng thêm 1,1 triệu kWh điện có được từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, mỗi ngày khu vực miền Trung vẫn còn thiếu 1,5-2 triệu kwh.

Trong quý I, phụ tải công nghiệp và xây dựng trên địa bàn miền Trung đã tăng trung bình lên 52%, trong khi đó nguồn điện cung ứng lại dựa chủ yếu vào các nhà máy thủy điện. "Nắng nóng gây khô hạn kéo dài, nước trên các sông suối khô cạn, tình trạng không đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt là điều tất yếu", đại diện Tổng Công ty điện lực miền Trung nói.

Theo Trí Tín
Vnexpress

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên