MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngoại “kêu trời” về thủ tục visa của Việt Nam

Cộng đồng các doanh nghiệp từ Mỹ, Nhật Bản, Úc... đều có kiến nghị kêu gọi chính phủ Việt Nam nới lỏng các quy định có liên quan đến thị thực, visa dành cho cả khách du lịch và doanh nhân...

Chia sẻ tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015, bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ, theo ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, hầu hết các quốc gia TPP đã tham gia cam kết cho phép nhập cảnh dành cho doanh nhân của nước thành viên khác tùy thuộc vào các phụ lục của riêng từng quốc gia.

Tuy nhiên, Luật Nhập cảnh của Việt Nam được sửa đổi vào tháng 6/2014 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 mà không được tham khảo các nội dung của TPP.

"Chúng tôi nghĩ rằng sự thay đổi này là một bước lùi. Căn cứ vào một vài điều khoản luật này, công dân Hoa Kỳ có kế hoạch đến Việt Nam theo diện thị thực tương đương B-1 hoặc B-2 của Hoa Kỳ sẽ nhận được thị thực có thời hạn hiệu lực trong vòng 3 tháng và chỉ nhập cảnh một lần", AmCham cho biết.

Cũng theo AmCham, quy định này gây ra trở ngại lớn đối với cả doanh nhân và khách du lịch cho cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ, và có thể làm suy giảm doanh thu lớn do ngành du lịch đem lại, chưa kể đến tác động tiêu cực cho sự phát triển của ngành du lịch, là một trong 5 ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ được tổ chức vào tháng 6/2015, AmCham cũng đã nêu vấn đề này và được biết vào tháng 7/2015 công dân Hoa Kỳ sẽ được nhận thị thực thời hạn hiệu lực một năm, nhập cảnh nhiều lần.

Tuy nhiên, AmCham cho biết, đến nay phía hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin nào thay đổi nội dung trên.

Nếu Chính phủ Việt Nam không điều chỉnh thủ tục thị thực tạm thời thời hạn hiệu lực 12 tháng và nhập cảnh nhiều lần cho doanh nhân/du lịch, chính sách cấp thị thực của Hoa Kỳ cho công dân Việt Nam cũng sẽ dựa trên nguyên tắc đối ứng quốc gia trong tương lai gần, thị thực Hoa Kỳ cấp cho công dân Việt Nam với mục dịch ngắn hạn sẽ giảm xuống còn 3 tháng và nhập cảnh một lần như thị thực cấp cho công dân Hoa Kỳ.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết vấn đề này hiện đang được thảo luận tích cực với Chính phủ Việt Nam.

Còn theo ông David W. Carter - Thành viên Hội đồng Quản trị Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam, trong kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015, các doanh nghiệp Úc rất đồng thuận với Chính phủ Việt Nam trong việc tăng số lượng các nước trong danh sách được miễn thị thực.

Hiện nay, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân của 21 quốc gia. Tuy nhiên, theo AusCham, con số này còn thấp hơn các nước lân cận như Malaysia (miễn 164 nước), Philippines (157 nước) và Thái Lan (52 nước). Mặc dù đây là một bước tiến rất tích cực, AusCham vẫn còn một số quan ngại về vấn đề này.

Thứ nhất, AusCham đề nghị Chính phủ cần khẩn trương mở rộng danh sách các nước miễn thị thực bao gồm Úc và New Zealand. Đây được xem như một phương pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch giữa các quốc gia.

Thứ hai, đề nghị miễn thị thực lưu trú trong 30 ngày thay vì như hiện tại là 15 ngày và đồng thời cho phép du khách tái nhập cảnh trong vòng 30 ngày để quảng bá hình ảnh Việt Nam như một trung tâm quá cảnh.

Trong khi đó, ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, theo quy định sửa đổi về nhập cảnh của “Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”, công dân Nhật Bản không được phép tái nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 30 ngày nếu không có visa.

Việc thay đổi điều kiện nhập cảnh không cần visa hạn chế cơ hội đối với công dân Nhật Bản muốn nhập cảnh Việt Nam thường xuyên hơn, với mục đích du lịch hay thương mại.

“Chúng tôi đề xuất rằng điều kiện nhập cảnh của công dân Nhật Bản sẽ được thay đổi giống như luật cũ, để họ có thể được miễn visa nhập cảnh, không kể tới việc họ rời Việt Nam trước đó bao lâu” – ông Tokuyama chia sẻ.

Giải đáp về những kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoại tại Việt Nam, ông Trần Văn Dự - Đại diện Bộ Công an cho biết, những kiến nghị này đều sẽ được xem xét và xử lý.

“Chúng tôi rất chia sẻ với các kiến nghị mà hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đề cập. Tuy nhiên, nhiều nước hoan nghênh việc miễn thị thực đơn phương có điều kiện như hiện nay nhằm quản lý công dân của nước mình tốt hơn” – Đại diện Bộ Công an chia sẻ.

Song song với đó, hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đang giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu khả năng cấp thị thực điện tử. Việc này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân cũng như khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên