MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt có nguy cơ “cơm chấm cơm” sau hội nhập

Nếu chỉ “liên kết trong nhà”, tức là sẽ lâm vào tình trạng “cơm chấm cơm”, sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, càng khó hơn khi tham gia TPP.

Với việc thi hành các thỏa thuận về Cộng đồng ASEAN, từ nay Cộng đồng kinh tế AEC bao gồm 10 nước trong khu vực sẽ hình thành khu vực thị trường thống nhất, hình thành các trung tâm sản xuất có quy mô lớn, bổ sung cho nhau, với thị trường 600 triệu dân và thu nhập đang tăng nhanh.

Việt Nam là nước có trình độ phát triển chưa cao, nhưng việc hình thành AEC sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành khu vực kinh tế có tính liên kết cao hơn, nối kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, GS. TSKH Nguyễn Quang Thái nhận xét.

Theo một kết quả khảo sát doanh nghiệp trong các bảng xếp hạng VNR500, FAST500 và V1000 do Vietnam Report thực hiện tháng 1/2016 có thể thấy, về cơ bản các doanh nghiệp cũng cho rằng hội nhập TPP sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh lành mạnh, tiếp cận các thị trường hàng hóa của các quốc gia phát triển khi có nhiều chính sách ưu đãi thuế quan, v.v…

Ảnh hưởng của một số cam kết chính trong TPP tới triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong ít nhất 3 năm tới. Nguồn: Khảo sát các Doanh nghiệp do Vietnam Report thực hiện tháng 1/2016 (n=280; V1000 + VNR500 + FAST500)

Tuy nhiên, các Hiệp định FTA đang thi hành cũng đặt Việt Nam ở vị thế trực tiếp cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Từ đó cũng xuất hiện các khó khăn thách đố mới đa dạng hơn, giáo sư lưu ý.

Với việc mở ra thị trường liên kết chặt chẽ với 55 nước trên thế giới, trong đó có 10 nước khu vực, các FTA sẽ có độ tương tác khá đa dạng.

Các nhà hoạch định chính sách và từng doanh nghiệp cũng phải chủ động lựa chọn phương hướng sản xuất, kinh doanh và liên kết trong ngoài nước một cách cụ thể hơn. Các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn không nhỏ.

Trước hết là khó khăn nội tại. Hầu hết các doanh nghiệp nội địa thuộc khu vực tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô doanh nghiệp trung bình chỉ dưới 30 công nhân, rất ít doanh nghiệp lớn, thì cũng tương ứng, quy mô vốn và tài sản, trình độ khoa học – công nghệ cũng khá thấp.

Do đó, nếu chỉ “liên kết trong nhà”, tức là sẽ lâm vào tình trạng “cơm chấm cơm”, sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, càng khó hơn khi tham gia TPP.

Trong khi đó, nếu muốn mở ra liên kết với các nền kinh tế lớn, công nghệ cao của TPP thì tiềm lực về vốn, công nghệ và nhân lực thường không cao sẽ khó hình thành các đơn vị có khả năng tham gia cạnh tranh bình đẳng.

Kinh nghiệm giao thương quốc tế cũng có nhiều hạn chế, làm cho khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, kể cả trình độ ngoại ngữ, pháp lý, v.v…

Hai là, khó khăn về môi trường thể chế. Mặc dù Việt nam đã chủ động thương lượng và ký kết AEC, TPP, nhưng khuôn khổ pháp lý còn nhiều điểm phải sửa đổi để không chỉ nâng cấp và đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý, hệ thống quản lý Nhà nước và đội ngũ công chức có điều kiện tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp (trong đó có chính sách về đảm bảo quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, v.v. khá mới mẻ trong nước và xử lý các tranh chấp quốc tế).

Những khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính, v.v. cũng là khó khăn không nhỏ. Đó là chưa kể tới tư tưởng sính ngoại, đối xử không công bằng khu vực tư nhân trong nước, v.v. cũng gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ba là, khó khăn khách quan khi các doanh nghiệp phải hội nhập trong một sân chơi chung, chấp nhận cạnh tranh, nhưng ít hiểu biết về thông lệ quốc tế và những vấn đề phức tạp của pháp lý và thông lệ quốc tế, kể cả ngoại ngữ, văn hóa đa dạng.

Trong điều kiện thế giới đầy biến động thì các khó khăn này càng tăng lên, khi các nước cũng đều muốn tiến ra thị trường quốc tế.

Điều này cũng tương đối trùng khớp với kết quả khảo sát của Vietnam Report. Hầu hết các Doanh nghiệp đều cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài vào cạnh tranh với các Doanh nghiệp trong nước, phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Doanh nghiệp trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, suy cho cùng, khó khăn lớn nhất vẫn là vượt qua được chính mình, tạo dựng ý chí chủ động vươn lên trong khó khăn, trước hết giành phần thắng trên sân nhà, thị trường nội địa. Từ đó từng bước tìm các 'kẽ nhỏ' để đưa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường quốc tế", GS. TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Tổng thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam - nhận xét.

Ông cho rằng trong hoàn cảnh mới, các doanh nghiệp tư nhân Việt nam cần tăng cường liên kết với nhau và với các loại hình doanh nghiệp để cùng vượt khó.

Thói quen làm việc trong các tập thể đa dạng chưa được phổ biến, những bỡ ngỡ ban đầu sẽ gây thêm khó khăn, thậm chí cả thất bại và trả “học phí” nhất định.

Việt Nam đang có lợi thế là 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, với hàng trăm nghìn chuyên gia bậc cao đang hoạt động thành công, chắc chắn sẽ là cầu nối tới thành công.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

Trở lên trên