MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu nếu không thay đổi, sẽ phải làm thuê trên chính đất nước mình

Doanh nghiệp đang đứng trước bài toán "sống hay là chết" khi phải cấu trúc lại sản xuất trước làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam khi những cam kết hội nhập mang lại cơ hội giảm thuế rõ nét khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Việt Nam luôn tự hào là một trong những quốc gia xuất khẩu (XK) nông sản lớn nhất thế giới, song năng lực cạnh tranh vẫn còn là điều phải bàn. Đơn cử như gạo – mặt hàng Việt Nam luôn đứng Top đầu XK, với khoảng 7 triệu tấn XK trung bình trong vài năm trở lại đây, 2,5 – 3 triệu tấn đang được XK sang châu Á, gần 4 triệu tấn sang châu Phi. Với thị trường khó tính như châu Âu, mỗi năm chỉ XK được vài trăm ngàn tấn.

Không chỉ có gạo, nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, thanh long, vải thiều… cũng rất khó XK một lượng lớn vào các thị trường như Mỹ, Nhật Bản… - những thị trường có tiêu chuẩn thực phẩm đầu vào khắt khe. Đây cũng là những quốc gia sẽ dành cho ta nhiều ưu đãi lớn khi TPP có hiệu lực.

Với ngành gỗ cũng vậy. Đây là một trong những ngành XK chủ lực của nước ta với kim ngạch mỗi năm khoảng 6 tỷ USD. Gỗ XK hiện tập trung vào các sản phẩm chính như gỗ băm (gỗ vụn); Gỗ ván bóc; Gỗ dán; Gỗ xẻ; Đồ gỗ nội ngoại thất…

Trừ đồ gỗ nội ngoại thất, những mặt hàng còn lại đều là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như gỗ vụn sang Hàn Quốc, Đài Loan làm giấy; gỗ ván bóc sang Malaysia làm gỗ dán; gỗ xẻ sang Nhật Bản, Hàn Quốc... làm đồ nội thất. Tuy nhiên, khi vào TPP, những các sản phẩm nguyên liệu XK này không nằm trong các đối tượng được giảm thuế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt – Giám đốc Công ty VietGo – một DN chuyên tư vấn XK, nếu không có những biện pháp thay đổi tích cực, sắp tới, nhiều ngành sản xuất của ta sẽ thay đổi cấu trúc theo hướng các DN nước ngoài có vốn, có công nghệ sẽ đổ xô đầu tư vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi lớn về thuế. Đơn cử như với ngành gỗ, sẽ có làn sóng các DN Trung Quốc và Thụy Điển – những quốc gia XK gỗ hàng đầu vào Việt Nam để đầu tư sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất XK.

Hoặc với ngành dệt may, do ta vẫn đang chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu về gia công, sẽ có nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam sản xuất công nghiệp phụ trợ như vải, cúc, sợi và nguyên liệu đầu vào để tận dụng mức thuế giảm đến tối đa.

“Trước Tết, VietGo đã tiếp đến 5 DN Trung Quốc vào Việt Nam với nhu cầu tìm hiểu về thị trường bông và lông vũ để sản xuất áo khoác. Đây là xu hướng tất yếu khi TPP đang đến rất gần và nếu DN không sớm thay đổi thì sẽ nhanh chóng trở thành người làm thuê trên chính đất nước của mình” – ông Việt cho hay.

Con đường nào để DN Việt thoát kiếp làm thuê?

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam muốn nâng cao lợi nhuận, tận hưởng ưu đãi thì phải tái cấu trúc sản xuất theo hướng sản xuất sản phẩm khép kín, sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cụ thể, DN nên đầu tư vào các khâu như thiết kế, giao thương trực tiếp, sản xuất nguyên phụ liệu, tạo sản phẩm đầu ra thực sự có chất lượng... để hàng hóa có thể vào được các thị trường cao cấp như Nhật, Mỹ, Canada, Úc…

Đơn cử như với nông sản, Nhật Bản đang đầu tư theo cách xây dựng một ngân hàng đất nông nghiệp. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không tập trung, người nông dân sẽ gửi đất vào ngân hàng này và DN sẽ là người đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất ra sản phẩm.

TS. Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, để tận dụng cơ hội từ TPP, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng mô hình cánh đồng lớn để sản xuất ra các vùng lúa gạo tập trung, có chất lượng. Tuy nhiên, vai trò của DN phải là trọng tâm.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết thêm, thay vì chỉ XK nguyên liệu hay làm những sản phẩm đơn giản, độ khó thấp, giá trị gia tăng không cao, hiện nhiều DN gỗ đang nỗ lực thay đổi công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm khó hơn, có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn. Đây là giải pháp quan trọng để đón đầu cơ hội từ hội nhập.

Nhiều DN Việt hiện đã đầu tư vào nông nghiệp như SSI đầu tư vào gạo Ban Mai, VinGroup đầu tư vào VinEco... Vinatex cũng đầu tư mạnh cho vùng nguyên liệu... Đây là xu hướng cần được nhân rộng thời gian tới.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên