MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồi dào đơn hàng xuất khẩu

Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các thị trường giúp nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đón thêm cơ hội.

Theo nghiên cứu về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố, PMI tháng 11-2014 của Việt Nam đã tăng lên 52,1 điểm từ mức 51 điểm trong tháng trước, báo hiệu sự cải thiện đáng kể về điều kiện kinh doanh trong suốt 5 tháng qua.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng. Theo HSBC, nhờ chi phí nhân công thấp hơn so với Trung Quốc, ngành sản xuất của Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới.

Bội thu đơn hàng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng của năm 2014 ước đạt 137 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục khả quan, như: hàng dệt may 19,2 tỉ USD (tăng 18,2%), giày dép 9,2 tỉ USD (tăng 23%), thủy sản 7,3 tỉ USD (tăng hơn 20%), gỗ và các sản phẩm từ gỗ 5,6 tỉ USD… Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỉ USD, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU), khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo các doanh nghiệp (DN), số đơn hàng xuất khẩu tăng khi Việt Nam đã và đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang. Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ thời gian qua tương đối nhiều ở các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu… Đáng chú ý là lượng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam khi chi phí nhân công ở nước này tăng cao.

“Hiện lương nhân công ở Trung Quốc khoảng 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng)/người/tháng. Chi phí nhân công kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng và đẩy giá thành sản phẩm lên, buộc DN nước ngoài phải tính toán lại và chuyển đơn hàng sang các nước, trong đó có Việt Nam” - ông Hùng lý giải.

Với các ngành dệt may, da giày, lượng đơn hàng cũng dồi dào. Khi các FTA được ký kết, hàng rào thuế quan vào nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, EU… sẽ giảm dần về 0%, tạo cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu. Điều này lý giải làn sóng “đổ bộ” của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam xây dựng nhà máy dệt may hoặc các tập đoàn sản xuất giày dép lớn mở rộng đầu tư.

Năm nay, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 12 tỉ USD là hoàn toàn có thể đạt được. Ông Huỳnh Đặng Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Giày Á Âu, cho biết công ty đã có đơn hàng đến tháng 3-2015 và đang tập trung đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đón cơ hội. “Dù sẽ phải cạnh tranh gay gắt với DN FDI ngay trên sân nhà nhưng DN giày dép nội địa vẫn có cơ hội ở các thị trường, tùy vào lợi thế của mình” - ông tin tưởng.

Chỉ “vui một nửa”

Theo ông Đặng Quốc Hùng, đơn hàng nhiều nhưng đơn giá xuất khẩu không tăng khiến DN chỉ “vui một nửa”. Giá nhân công và các chi phí đầu vào cũng tăng đáng kể (dù không bằng Trung Quốc) khiến lợi nhuận của DN thu về chẳng đáng là bao.

“Vừa rồi, một DN ở châu Âu thương lượng đơn hàng rất lớn nhưng DN của tôi không dám nhận vì giá xuất khẩu không tăng, càng làm càng lỗ!” - ông Hùng bộc bạch.

Cho rằng dệt may đang khá nhộn nhịp vì ngành này được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ các FTA nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, vẫn tâm tư khi các chi phí đầu vào tăng khiến lợi nhuận của DN ngày càng teo tóp. “Lâu nay, ngành dệt may trong nước có kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD nhưng chỉ lượm bạc cắc vì phần lớn gia công cho nước ngoài, làm càng nhiều càng nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu” - ông giải thích.

Theo ông Hồng, hiện xu hướng đầu tư mở rộng sản xuất rất sôi động và lấn át những yếu tố khác. Dịp cuối năm, các DN đang tích cực xúc tiến tìm kiếm đơn hàng cho năm tới. Nếu các FTA được ký sớm sẽ tạo thuận lợi cho DN nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Lúc này, nếu DN vừa và nhỏ trong nước không củng cố năng lực quản lý, đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động thì sẽ khó cạnh tranh với DN FDI. Quan trọng là lực lượng lao động có hạn nhưng DN ồ ạt đầu tư nhà máy nên sẽ phải “giành giật” nhau. 

Thủy sản “liệu cơm gắp mắm”

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận sau thời gian tăng trưởng nóng và gặp nhiều khó khăn, năm nay, DN ngành thủy sản đã hoạt động ổn định hơn khi nhu cầu từ các thị trường tăng. DN không còn mở rộng sản xuất quá đà mà đã tính toán, “liệu cơm gắp mắm” để tránh rủi ro.

11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,3 tỉ USD và có thể cán mốc 7,5 tỉ USD trong năm 2014. Khi các FTA ký kết, DN thủy sản sẽ tiếp cận các thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn. Điều quan trọng là DN phải cam kết được chất lượng để giữ thị trường nhưng cũng phải chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá...

>>>PMI tháng 11 đạt 52,1 điểm, sản lượng sản xuất tăng mạnh nhất kể từ tháng 4

Theo Thái Phương

huongtt

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên