MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn quân đi đòi nợ, cứu hộ ngân sách

Hà Nội phải lo thu đủ 7.000 tỷ, TP HCM phải đảm nhiệm 5.500 tỷ. Hải Phòng, Thái Bình, Đồng Nai, mỗi đơn vị phải hoàn thành thu nợ 500 tỷ đồng...

Nợ gốc không trả được, tiền phạt chậm nộp vẫn tiếp tục tăng theo ngày tháng khiến tổng nợ thuế của DN phình to. Ngành thuế áp dụng đủ các biện pháp từ nhẹ đến nặng để mong thu thêm được ít nhất 15.000 tỷ đến cuối năm.

Gánh nặng đòi nợ thuế

Hai tuần nay, 9 Cục trưởng 9 cục thuế các tỉnh, thành phố được triệu tập gấp ra Hà Nội để bàn giải pháp, nhận nhiệm vụ cụ thể thu nợ.

Đây là các địa phương có số nợ quá hạn lớn nhất hiện nay, từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Trong đó, chỉ riêng nguồn thu thuế từ Hà Nội và Tp HCM đã chiếm tới 50% tổng thu nội địa cho ngân sách hàng năm.

Hy vọng từ giờ đến cuối năm, sẽ đôn đốc thu được tối thiểu thêm 15.000 tỷ đồng

Ông Phi Văn Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế nói: "hy vọng từ giờ đến cuối năm, sẽ đôn đốc thu được tối thiểu thêm 15.000 tỷ đồng để điều tiết cho ngân sách Trung ương, hỗ trợ cho việc giảm thu hiện nay".

Cập nhật đến tháng 10, nợ có khả năng thu đã giảm được 2,2% so với con số tính đến 31/12/2014. Số thu nợ thuế toàn quốc luỹ kế 10 tháng đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 73% so với chỉ tiêu thu nợ được giao (phải đạt 80% của số nợ 47.500 tỷ đồng - không kể nợ do phạt chậm nộp và nợ khó đòi- năm 2014 chuyển sang).

Chỉ còn 2 tháng nữa, việc hoàn thành nhiệm vụ đòi nợ quả là không dễ.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp HCM, bà Trần Thị Lê Nga chia sẻ: "Có nhiều DN bất động sản nợ tiền sử dụng đất nên kéo theo, làm ảnh hưởng đến các DN thiết kế, thi công, vật liệu xây dựng nợ theo. Số nợ mới phát sinh không đáng kể mà chủ yếu là ảnh hưởng nợ gốc từ những năm trước, không nộp nên tiền phạt chậm nộp tăng lên".

Ghi nhận tại Cục Thuế Bình Phước, tình trạng chung là các huyện thị đều có chiều hướng tăng nợ bởi nguyên nhân chính do doanh nghiệp khó khăn về tài chính, dẫn tới chiếm dụng tiền thuế GTGT. Không ít doanh nghiệp còn lách luật để thoát khỏi chế độ cưỡng chế thuế.

Chi cục Thuế thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cho biết: "Một số DN nông sản trên địa bàn kinh doanh thua lỗ từ năm trước nên đã bị cưỡng chế thuế thu hồi nợ. Tuy nhiên, khi cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế, các DN này đã lập công ty mới, đứng tên vợ hoặc chồng, con, đăng ký ở địa bàn khác để kinh doanh bình thường. DN này vẫn mở tài khoản giao dịch mua bán thanh toán tiền nên tình trạng nợ đọng kéo dài không thu được".

"Vì vậy, khi áp dụng biến pháp cưỡng chế phong toả tài khoản, cơ quan thuế cũng vẫn không thu được tiền thuế nào", chi cục Thuế thị xã Phước Long cho biết.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cũng rơi vào tình trạng tương tự với đủ các lý do như DN bỏ trốn rồi sau đó, lập doanh nghiệp mới để kinh doanh, doanh nghiệp nợ do chưa thanh toán các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách, hoặc do khách hàng nợ không thanh toán đầy đủ nên vạ lây theo.

Chốt lại, hôm 6/11, Tổng cục Thuế đã giao khoán cụ thể doanh số thu nợ cho các địa phương với yêu cầu phải quyết liệt thực hiện bằng được. Trong đó, thủ đô Hà Nội phải chịu trách nhiệm lo thu đủ 7.000 tỷ, TP HCM phải đảm nhiệm được 5.500 tỷ.

Các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Đồng Nai, mỗi đơn vị phải hoàn thành thu nợ 500 tỷ đồng. Kế đến là Bình Dương phải lo được 450 tỷ đồng, Bà Rịa Vũng Tàu 350 tỷ đồng và Cần Thơ lo 250 tỷ đồng tiền thu nợ thuế.

Truy trách nhiệm đến đội trưởng

Theo bà Trần Thị Lê Nga, một trong những giải pháp mạnh tay là việc đăng thông tin công khai trên phương tiện đại chúng danh tính các DN nợ thuế cũng đã có hiệu quả. Số DN bị nêu tên không nhiều, nhưng đã có tác động. Các doanh nghiệp đang nợ, khi chuẩn bị có dự án được phê duyệt hoặc sắp ký hợp đồng mới đều có động thái thu xếp mọi giá để trả nợ thuế.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp thực sự có nguồn tiền nhưng cố tình chây ì, Cục thuế TP HCM cũng đã kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoá đơn, thông báo thông tin tới Sở KHĐT...

"Với các DN có khó khăn thực sự, chúng tôi cũng đã tạo điều kiện giãn tiến độ, phân kỳ trả nợ gốc, vận động doanh nghiệp có bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu để giảm áp lực nợ gốc", bà Nga cho hay.

Trong hàng chục giải pháp đôn thúc nợ, "trách nhiệm đảm bảo doanh số thu nợ được truy tới cùng các bộ lãnh đạo trong ngành thuế, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng", ông Tuấn cho hay.

Năm nay, trách nhiệm thu nợ thuế phải đạt hiệu quả cao trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi ước tính năm nay, ngân sách Trung ương đã bị hụt thu tới 31.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã phải trình Quốc hội việc sẽ sử dụng 10.000 tỷ đồng bán vốn Nhà nước để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Thứ trưởng Bộ này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng: "Nếu việc thu nợ thuế đạt kết quả tốt thì sẽ góp phần giảm thiểu tối đa việc phải sử dụng 10.000 tỷ đồng trên".

Theo Tổng cục thuế, số nợ thuế tính đến 30/9 năm nay là 76.500 tỷ đồng. Trong đó thuế, phí, đất là 46.450 tỷ đồng. Số tiền phạt và chậm nộp là 13.800 tỷ đồng. Số nợ khó thu, gần như không có khả năng thu do doanh nghiệp đã giải thể, mất tích khoảng trên 12.000 tỷ đồng.

So với số nợ chuyển sang từ 31/12/2014 là 47.500 tỷ đồng thì nợ thuế, phí đất có khả năng thu được đã giảm 2,2%. Trong số này, 34.000 tỷ đồng là thuế và phí, giảm 5,8% so với thời điểm 31/12/2014. Còn lại, hơn 12.000 tỷ đồng là nợ tiền sử dụng đất.

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên