MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đóng góp lớn nhất của FDI là tạo việc làm và vốn”

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 40% GDP, thì DN FDI đã đóng góp số vốn tương đương 10% GDP như vậy chiếm tỉ lệ 25%. Nếu không có FDI, chúng ta không thể có tăng trưởng như hiện nay và thu nhập quốc dân cũng không thể đạt được mức gần 2.000 USD/người.

Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo ông, sau hơn 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp của khu vực FDI vào kinh tế Việt Nam thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?

Trong hơn 25 năm thu hút FDI, đóng góp của FDI đối với nền kinh tế càng ngày càng gia tăng, nhất là trong giai đoạn đầu chúng ta đang thiếu vốn. DN FDI đã đóng góp một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra lan tỏa về công nghệ. Nhưng thực ra, đóng góp lớn nhất của FDI chính là tạo việc làm và vốn, còn tốc độ lan tỏa công nghệ vẫn chưa được như mong muốn.

Muốn tăng trưởng nhanh, bắt buộc nền kinh tế cần vốn, trong khi đó lượng vốn trong nước còn thiếu thốn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 40% GDP, thì DN FDI đã đóng góp số vốn tương đương 10% GDP như vậy chiếm tỉ lệ 25%. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nếu không có FDI, chúng ta không thể có tăng trưởng như hiện nay và thu nhập quốc dân cũng không thể đạt được mức gần 2.000 USD/người.

TS Nguyễn Chiến Thắng- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tạo việc làm cũng là đóng góp quan trọng của khu vực FDI. Lao động làm việc trong các DN FDI tại thời điểm 31-12-2013 là trên 3,2 triệu người, gấp gần 8 lần năm 2000. Đó là con số có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh mỗi năm nước ta tới hơn 1 triệu lao động được bổ sung.

Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI lại không tương xứng. Mặc dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 60% tổng kim ngạch XK, thế nhưng đóng góp vào ngân sách vẫn còn khá khiêm tốn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI). Đó là điều ngược lại với mong đợi của chúng ta khi DN FDI có hiệu quả kinh doanh cao nhất song tỉ lệ lỗ lại cao nhất. Những DN này lại lỗ kéo dài trong khi vẫn mở rộng sản xuất. Phải chăng đó là do DN FDI thực hiện hành vi chuyển giá như đã được nêu ra từ lâu?

Theo ông tại sao đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI lại thấp như vậy?

Nghịch lý này xuất phát từ công tác thanh tra, giám sát thuế, các DN FDI có dấu hiệu thực hiện hành vi chuyển giá. Một loạt các DN như Cocacola, Keangnam, Metro… đã vướng vào nghi án chuyển giá. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này. Nếu xử lý được các hành vi chuyển giá này, chắc chắn thu của khu vực FDI về ngân sách sẽ cải thiện.

Khu vực FDI tạo ra lượng lớn việc làm cho người lao động. Vậy lực lượng lao động này có nâng cao được kỹ năng tay nghề khi phần lớn chỉ thực hiện khâu gia công, lắp ráp?

Lực lượng lao động làm ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp ở DN FDI hầu như không học hỏi được gì. Dù Samsung là DN công nghệ cao, nhưng công nhân cũng chỉ làm khâu lắp ráp. Có thể trong một số ngành, người lao động có thể học hỏi được nhiều hơn. Chẳng hạn trong các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi vì công đoạn của công nghiệp hỗ trợ là sản xuất, còn công đoạn của Toyota, Honda, Ford… ở Việt Nam chỉ là công đoạn cuối cùng trong dây chuyền sản xuất, đó là lắp ráp.

Khi tôi vào thăm công ty Keiki Precision ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng, tôi thấy các công nhân làm việc rất bài bản, trong đó có một số đã từng được đưa đi đào tạo tại Nhật Bản 4 tháng. Sau khi về nước, những người được đi đào tạo tại Nhật sẽ truyền dạy lại cho các công nhân khác. Đó mới thực sự là có hiệu quả lan tỏa về công nghệ. Các công nhân có trình độ sáng tạo cao cũng có thể tự mình mở ra những công ty làm ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Nhật.

DN FDI xuất siêu, nhưng tỉ lệ NK cũng rất lớn. Như vậy giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế Việt Nam cũng không đáng là bao, phải không thưa ông?

Đúng vậy. Giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế là phần thu được sau khi đã trừ đi linh kiện đầu vào. Trong khi đó, chúng ta chỉ tạo ra giá trị gia tăng ở tiền lương của công nhân. Điều này lại liên quan đến vấn đề công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Nếu như chúng ta hút được nhiều DN vệ tinh của Samsung vào, thì có thể tạo ra giá trị gia tăng cho công nhân Việt Nam tại những DN này. Đó cũng là bước tiến tốt vì một phần giá trị gia tăng lại vào Việt Nam thông qua lương của công nhân.

Hiện nay sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước khá thấp. Tỉ lệ nhà cung ứng Việt Nam cho các DN FDI chỉ ở mức trung bình 20-30%. Qua cuộc điều tra của UNIDO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ DN Việt kết nối được với khu vực FDI, cung ứng đầu vào cho khối DN này chỉ khoảng 30%. Nếu không gắn kết được thì việc chuyển giao công nghệ giữa hai khu vực này không thể diễn ra.

Đóng góp vào ngân sách ít, lao động không học hỏi được nhiều kỹ năng, giá trị gia tăng thấp… là mặt hạn chế của thu hút FDI ở Việt Nam. Vậy ông có nghĩ Việt Nam có nguy cơ trở thành địa điểm cho thuê cơ sở sản xuất và nguồn nhân công giá rẻ, không tiến sâu hơn được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu?

Đó là thách thức của Việt Nam. Bởi vì không ít nước làm được việc biến địa điểm của đất nước mình từ chỗ lắp ráp trở thành địa điểm sáng tạo. Trong khu vực, có thể điểm mặt Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Trong số nước vướng bẫy thu nhập trung bình, cũng chỉ có số ít nước như Hàn Quốc, Singapore vượt lên được bởi vì họ có nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Trước đây, Huyndai NK công nghệ của Mitsubishi, sau đó giải mã công nghệ đó. Để chế tạo được động cơ của mình thay thế cho động cơ của Mitsubishi, Huyndai đã tiến hành không biết bao nhiêu cuộc thử nghiệm, cuối cùng họ đã thành công, sản phẩm của họ cạnh tranh được với Mitsubishi, Toyota. 

Đài Loan cũng sản xuất được ô tô từ đầu đến cuối bằng công nghệ của họ. Còn Thái Lan, Malaysia, Indonesia mới chỉ đến giai đoạn DN trong nước cung ứng đầu vào cho DN nước ngoài, chứ không sáng tạo được sản phẩm từ A-Z. Còn Việt Nam vẫn ở trình độ công nghệ thấp hơn các nước này.

Đây là điều không phải chúng ta có thể làm được trong một sớm một chiều và còn rất lâu mới đạt được. Bởi vì nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam còn thiếu và yếu nên khó có thể tự sáng tạo được công nghệ. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao chính là điều khiến chúng ta khó vượt lên được nấc thang sáng tạo như các nước. Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực chính là khâu cốt lõi để Việt Nam nâng hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Để Luật Đầu tư mới tác động tăng hiệu quả thu hút FDI

Theo Lương Bằng

huongtt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên