MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột phá mới trong đàm phán TPP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi đến hồi kết. Một trong những nội dung quan trọng và khó đàm phán nhất là vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có đột phá.

Điều quan trọng hơn, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những đột phá này rất phù hợp với tiến trình cải cách DNNN mà Việt Nam đang thực hiện. Ông nói:

- Yêu cầu chung của TPP là thúc đẩy tự do hóa thương mại và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN), không phân biệt DNNN hay tư nhân, nước ngoài hay trong nước. TPP đặt ra một cơ sở pháp lý rõ ràng để không chấp nhận những ưu đãi, biệt đãi, cách đối xử đặc biệt với bất kỳ DN nào, kể cả DNNN. Do đó, hiệp định có hẳn một chương riêng về DNNN.

Họ không đòi hỏi các nước không được có DNNN, cũng không đòi hỏi DNNN chiếm tỉ lệ cao hay thấp. Họ chỉ yêu cầu công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng, để cho tất cả DN trong nước và ngoài nước tham gia bình đẳng.

Nếu DN nào cảm thấy có hiện tượng ưu đãi hoặc đối xử bất bình đẳng, DN có quyền kiện lên một thể chế pháp lý ở nước đó hoặc một thể chế pháp lý thích hợp khác. Đó là lĩnh vực các bên đã phải đàm phán gay go và dường như gặp khó khăn rất lớn cho tới cuối tháng 8 vừa qua.

* Sau đó đã có đột phá, đó là gì thưa ông?

- Đến nay, theo các nguồn tin quốc tế mà tôi được tham khảo, các bên đã đạt được thỏa thuận. Năm nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc và Mexico đã thỏa thuận được với nhau là chấp nhận cho bốn nước Malaysia, Peru, Brunei, Việt Nam được một ân hạn năm năm để điều chỉnh các chính sách đối với DNNN chứ không phải là áp dụng ngay lập tức sau ký kết.

Trong số này Việt Nam là nước có thu nhập thấp hơn hẳn, lại đang chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và đang tiếp tục cải cách nên được sự chú ý. Malaysia vướng chính sách Bumiputra - tức là chính sách ưu đãi người Malay mà từ lâu đã gây tranh cãi lớn ở nước này.

Theo đó, người gốc Malay được vay vốn, tiến hành kinh doanh, còn người gốc Hoa hay Ấn Độ thì gặp khó khăn hơn nhiều. Điều đó không được TPP chấp nhận. Peru và Brunei thì tôi không có bình luận gì thêm. Thỏa thuận mới này có thể mở ra khả năng chấp nhận được. Nó hoàn toàn phù hợp với quyết tâm của Việt Nam là đẩy mạnh cải cách DNNN, nâng cao hiệu quả và cổ phần hóa DNNN như Thủ tướng và nghị quyết Đại hội Đảng XI nhiều lần nhấn mạnh.

Với ân hạn năm năm, cam kết TPP cũng phù hợp định hướng chính sách của Đảng và Chính phủ. Đây là sự trùng hợp may mắn và không làm trở ngại gì cho việc bốn nước tham gia ký kết.

* Tại sao một số nước nay lại “nhượng bộ” một số nước khác, trong khi nguyên tắc bình đẳng trong đàm phán luôn được tôn trọng?

- Đầu tiên đưa vấn đề DNNN vào TPP là muốn thúc đẩy nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng. Còn thâm ý của Mỹ khi đưa đề xuất này ra là để giúp DN Mỹ tiếp cận thị trường từng nước mà không bị ngăn cản gì từ những ưu đãi đối với DNNN của từng nước. Ví dụ: viễn thông, dịch vụ ở VN có sự ưu đãi với DNNN nên gây khó khăn cho DN Mỹ thâm nhập thị trường.

Điều này được các nước ủng hộ về nguyên tắc, nhưng họ cũng nhận thấy nếu ép quá mà bốn nước kia không ký TPP được sớm thì xôi hỏng bỏng không, nên năm nước đã đưa ra đề xuất năm năm ân hạn.

* Nếu TPP được ký kết thì trong giai đoạn ân hạn năm năm sau đó, theo ông, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết trước vấn đề gì để kịp thực hiện cam kết về DNNN?

- Có nhiều vấn đề Việt Nam cần giải quyết. Trước hết là khoản lỗ 1,3 triệu tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty. Thứ hai là phải có quản trị DN hiện đại, công khai minh bạch, bổ nhiệm công khai, dân chủ, có thời hạn, có điều kiện. Ví dụ trong ba năm giữ vị trí giám đốc thì các chỉ tiêu kinh doanh như thế nào, thưởng phạt tương xứng ra sao... Điều đó thế giới đã làm rồi.

* Với mốc hình thành Cộng đồng Asean 2015 đang đến gần và đàm phán TPP diễn ra nhanh chóng, ông có nhận xét gì về quá trình cải cách DNNN của Việt Nam?

- Gần đây tôi ghi nhận một số dấu hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách DNNN, ví dụ đã có một số kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, cổ phần hóa DNNN. Thủ tướng còn nói đến cả cổ phần hóa hàng không Việt Nam là điều trước kia chưa nói đến. Việt Nam cũng chú ý tới nhà đầu tư chiến lược, không nhấn mạnh tuyên truyền cổ phần hóa theo cách biến công nhân viên chức thành đồng sở hữu vì không phù hợp với thực tế.

Công nhân, viên chức không phải là nhà quản lý và cũng không có thông tin. Đặc biệt trong giai đoạn ngân sách đang gặp khó khăn hiện nay thì việc cổ phần hóa DNNN được đẩy mạnh cũng có thể là một cách hỗ trợ vốn cho ngân sách.

* Bước đột phá này tác động thế nào đến toàn bộ quá trình đàm phán?

- Theo tôi biết, DNNN là một trong các vấn đề khó đàm phán. Việt Nam và các nước chấp nhận thỏa thuận về DNNN. Đổi lại, Mỹ chấp nhận giảm thuế với hàng dệt may của Việt Nam và nới lỏng điều kiện khắt khe trong quy định từ sợi trở đi.

Việc khai phá vấn đề DNNN trong TPP sẽ có thể mở đường cho một thỏa thuận không chính thức trong cuộc gặp gỡ cấp cao của TPP tại Bali, Indonesia.

Theo HƯƠNG GIANG

thunm

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên