MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cảng biển tỷ đô có gây ô nhiễm?

Phương án xây cảng gần bờ được phía Nhật Bản ủng hộ và gần như đã được Bộ (GTVT) xúc tiến thực hiện mặc dù báo cáo ĐTM chưa được hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ Tài nguyên&Môi trường xem xét.

Chiều ngày, 24-11, hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cảng biển quốc tế Lạch Huyện trị giá hơn một tỷ USD bước đầu nghe đại diện chủ đầu tư giải trình các vấn đề gây tranh cãi nhất của dự án, hậu quả của việc đổ hàng chục triệu tấn bùn ra vùng biển khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, và nguy cơ lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.

Được biết, Hội đồng ĐTM sẽ nghe chuyên gia Nhật Bản trình bày quan điểm của họ về phương án xây dựng cảng Lạch Huyện gần bờ, điều sẽ dẫn đến một loạt thảm họa về môi trường cũng như tốn phí về kinh tế.

Cụ thể, chuyên gia Nhật sẽ trình bày kết quả mô hình tính toán của họ bao gồm cả về nguy cơ lan truyền dầu lẫn khuyếch tán phù sa mà họ cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường biển ở Vịnh Bắc Bộ như các chuyên gia Việt Nam lo ngại.

Gần bờ, tốn kém và ô nhiễm

Phương án xây cảng gần bờ được phía Nhật Bản ủng hộ và gần như đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xúc tiến thực hiện mặc dù báo cáo ĐTM chưa được hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ Tài nguyên&Môi trường xem xét.

Với phương án này, tổng mức đầu tư lên đến 25.200 tỷ đồng. Nguồn đầu tư tương đương 1,2 tỷ USD này chủ yếu là vốn vay dưới dạng viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản.

Theo Quyết định số 476 ngày 15-3-2011, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam và liên doanh giữa Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đối tác Nhật Bản làm chủ đầu tư.

Dự kiến, việc xây dựng được thực hiện từ tháng 10-2012 và hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ đặt ra bị chậm khá nhiều chủ yếu do có quá nhiều ý kiến phản đối đối với dự án, mà cụ thể là việc chọn địa điểm làm cảng.

Căn cứ vào vị trí xây dựng cảng theo phương án của Bộ GTVT và đối tác Nhật Bản, khi thi công, sẽ phải nạo vét khu nước trước bến và luồng vào cảng đến cao độ -14.0 m trên quãng luồng lạch dài 17 km với khối lượng nạo vét 40 triệu m3 bùn, với chi phí khoảng từ 7.000 - 12.000 tỷ đồng.

Việc nạo vét bùn không chỉ khi xây dựng cảng mà còn phải làm định kỳ hằng năm nếu muốn duy trì cao độ luồng tàu và khu nước. Đặt cảng nằm ngay trên cửa sông, nguy cơ sa bồi là khó tránh khỏi.

Chính Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng thừa nhận, mỗi năm, lượng sa bồi sẽ lên đến 2,62 triệu m3.

Như vậy, chi phí phát sinh cho nạo vét khi cảng đi vào hoạt động là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nếu càng được xây gần bờ.

Nhiều ý kiến còn lo ngại việc đổ gần 40 triệu m3 bùn xuống biển sẽ không đơn giản theo kiểu lý luận chúng được pha loãng bởi nước biển và làm gia tăng dinh dưỡng cho thủy sinh.

Thay vào đó là nguy cơ gây ô nhiễm khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Bị kiến nghị tạm dừng

Ngày 29-6-2012, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã gửi Công văn số 67/CV-THXDVN tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch&Đầu tư, Bộ TN&MT đề nghị tạm dừng dự án.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “giao Bộ GTVT xem xét, trả lời Tổng hội Xây dựng Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”.

Bộ GTVT đã có một số cuộc họp lắng nghe ý kiến các ý kiến phản biện. Tuy nhiên, phương án bị đề nghị tạm dừng vẫn được xúc tiến.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định với báo giới việc lựa chọn phương án hiện nay, dù ĐTM đối với việc đổ 40 triệu m3 bùn cát ra biển chưa được Bộ TN&MT xem xét.

Được biết, hợp phần của dự án do Cục Hàng hải phụ trách đang được xúc tiến triển khai với các hạng mục như xây đê chắn sóng, kè bảo vệ bờ, tường chắn đất, tôn tạo xử lý nền, bến công vụ, đường sau cảng, hạ tầng điện nước.

Còn Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hải Phòng đảm nhận hợp phần khác cũng đang tuyển chọn tư vấn rà soát dự án và thiết kế cơ sở. Dự kiến, năm 2013, họ sẽ tuyển chọn tư vấn thiết kế chi tiết và thi công công trình.

Theo TS Tô Văn Trường, thành viên hội đồng thẩm định ĐTM, tại cuộc họp, ông sẽ góp ý cho chuyên gia Nhật và yêu cầu họ phải tính lại vì có “rất nhiều sai số, kể cả điều kiện biên cũng như kiểm định mô hình”, TS Tô Văn Trường nói. “Góp ý một cách bài bản, chuyên sâu có dẫn chứng cụ thể, tôi hy vọng họ sẽ tiếp thu để sửa chữa”.

Theo Quốc Dũng

Tienphong

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên