MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Đà Nẵng thắng nhờ du khách Trung Quốc

Từ hơn một năm nay, dòng khách Trung đổ đến thành phố Đà Nẵng ngày càng mạnh. Khách du lịch từ nước láng giềng đã trở thành nguồn khách lớn nhất của thành phố biển miền Trung này.

Thậm chí, có công ty du lịch đã ghi nhận con số tăng trưởng kỷ lục lên đến trên 200% trong năm 2011.

Cuối tháng 1-2012, chỉ sau khoảng 2 tháng kể từ khi hãng tàu du lịch quốc tế StarCruises quyết định đưa tàu SuperStar Aquarius chạy thường xuyên đến Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố lại đón thêm 1 niềm vui nữa. Đó là, từ ngày 6-2, hành khách là công dân Trung Quốc đi trên tàu này để đến du lịch Hạ Long và Đà Nẵng có thể dùng giấy thông hành thay vì phải dùng hộ chiếu.

"Chúng tôi đang chuẩn bị để hỗ trợ doanh nghiệp đón thêm du khách mới, tin tưởng rằng với điều kiện thuận lợi này thì lượng khách sẽ tăng mạnh. Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn số 1 của du lịch Đà Nẵng, vượt qua cả 2 thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc", ông Trần Chí Cường, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, nói.

Hiện tại, du khách từ Trung Quốc đến Đà Nẵng chủ yếu bằng đường hàng không và những chuyến tàu du lịch biển quốc tế. Khách đi đường bộ hầu như không có, có lẽ do phải mất rất nhiều thời gian để đi từ các cửa khẩu quốc tế từ miền Bắc đến thành phố miền Trung này.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không chỉ mang đến lợi ích cho riêng Đà Nẵng, mà còn kéo theo sự tăng trưởng của 2 điểm đến đến lân cận là Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Theo các doanh nghiệp du lịch, với khách đi bằng đường hàng không, sau khi ghé Đà Nẵng, họ thường chọn tour từ 3-5 ngày để nghỉ tại đây và tham quan tại 2 tỉnh còn lại. Riêng với khách đi tàu biển quốc tế chỉ dừng lại trong ngày, sau khi ghé cảng Tiên Sa của Đà Nẵng thì cũng sẽ ghé cảng Chân Mây của Thừa Thiên- Huế.

Tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, chỉ trong  từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3-2012, sẽ đón 7 chuyến tàu SuperStar Aquarius với tổng cộng hơn 15.000 du khách và thuyền viên, chủ yếu đến từ Trung Quốc, tham quan lăng Khải Định, Đại nội, chùa Thiên Mụ, làng đá Non Nước, chùa Linh Ứng, Hội An, chơi golf tại Đà Nẵng…

Công ty du lịch Vitours cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, lên đến hơn 200% từ thị trường Trung Quốc, bao gồm cả thị trường tiếng Hoa có liên quan đến Trung Quốc. Trong khi châu Âu, thị trường quan trọng của công ty, sụt giảm do khó khăn kinh tế thì sự lớn mạnh của thị trường Trung Quốc đã giúp tình hình kinh doanh của công ty chẳng những duy trì mà còn tăng trưởng. Gần như cả năm, mỗi tuần công ty đều đón khoảng 6 chuyến bay thuê bao từ Côn Minh, Quảng Châu, Đài Bắc, Thành Đô, Thượng Hải... chưa tính một lượng khách nhỏ khác đi theo tour du lịch bình thường. Hiện tại, công ty chỉ còn đón các chuyến bay thuê bao từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nhưng trong thời gian tới sẽ có thêm các chuyến bay từ những địa phương khác.

"Năm ngoái, chúng tôi có đón hơn 30.000 lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 200% so với  năm trước. Năm nay, khách sẽ không còn tăng trưởng đột biến như vừa rồi nhưng sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến khoảng 50%", ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Vitours nói.

Theo ông Cường của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, không phải tự nhiên mà du khách từ quốc gia láng giềng đổ đến đây, mà là kết quả của những chương trình quảng bá của cả thành phố và doanh nghiệp tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch và khách sạn trong việc phát triển thị trường là nhân tố tích cực nhất. Growne Plaza là một ví dụ. Hiện tại, đa số du khách từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đều chọn nghỉ ở đây có những dịch vụ thích hợp với khách. Khách sạn này đã thực hiện rất nhiều hoạt động tiếp thị và đặt cả văn phòng tại Trung Quốc để quảng bá hình ảnh và giới thiệu những ấn phẩm của du lịch Đà Nẵng.

Ông Dũng của Vitours cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường rất lớn và còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững thì bên cạnh hoạt động tiếp thị, ngành du lịch cần phải bắt tay ngay vào việc phát triển dịch vụ, sản phẩm phong phú hơn cho khách và cần phải có đường bay trực tiếp từ những thành phố lớn để duy trì lượng khách thường xuyên thay vì chỉ đón khách qua những chuyến bay thuê bao như hiện tại.

"Đà Nẵng cần tập trung vào xây dựng các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, ăn uống, phát triển thêm các sản phẩm du lịch như du lịch đường sông... thì mới có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách Trung Quốc", ông Dũng nói.

Theo Đào Loan

TBKTSG

 

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên