MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt: Một năm buồn và "lận đận"

Trái ngược với đà tăng trưởng của hầu hết các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., ngành du lịch Việt Nam lại có một năm 2015 khá buồn và "lận đận".

Lượng khách quốc tế sụt giảm lần đầu tiên sau 6 năm

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính chung cả năm 2015, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7,94 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.

Khách đến bằng đường hàng không trong năm tăng 0,8% so với năm trước, đường bộ giảm 6,5% chủ yếu do khách từ 3 nước láng giềng giảm: Trung quốc giảm 8,5%, Campuchia giảm 43,8%, Lào giảm 16,6%. Khách đến bằng đường biển năm nay tăng mạnh với 27,5%.

Xét theo thị trường, khách đến từ 5 thị trường khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan) và Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc 1780,9 nghìn lượt người, giảm 8,5%; Campuchia 227,1 nghìn lượt người, giảm 43,8%; Indonesia 62,2 nghìn người, giảm 9,3%; Thái Lan 214,6 nghìn lượt người, giảm 13,1%; Lào 114 nghìn lượt người, giảm 16,6%; Philippines 99,8 nghìn lượt người, giảm 3,5%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1367,9 nghìn lượt người, tăng 0,7% so với năm trước. Các quốc gia có lượng khách đến nước ta giảm như Nga 338,9 nghìn lượt người, giảm 7,1%; Pháp 211,6 nghìn lượt người, giảm 1%; Thụy Điển 32 nghìn lượt người, giảm 1,4%.

Tuy nhiên, trong năm qua, nhờ chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu được thực hiện là một trong những nguyên nhân làm tăng số khách từ các nước này đến Việt Nam.

Cụ thể, du khách Anh đến Việt Nam đạt 212,8 nghìn lượt người, tăng 5,2%; Đức 149,1 nghìn lượt người, tăng 4,7%; Hà Lan 53 nghìn lượt người, tăng 7,8%; Tây Ban Nha 44,9 nghìn người, tăng 10,4%; Italia 40,3 nghìn lượt người, tăng 10,6%.

Gỡ khó cho ngành công nghiệp “không khói”

Theo nhận định của Tổng cục thống kê, so với các nước trong khu vực, nhìn chung số lượt khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn khá nhiều. Năm 2014 Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách, Thái Lan 24,8 triệu lượt, Singapore 15,1 triệu lượt, Indonesia 9,4 triệu lượt trong khi Việt Nam chỉ đạt gần 8 triệu lượt.

Nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam thấp chủ yếu do chưa thu hút được nhiều khách đến vì mục đích du lịch, tham quan và mục đích công việc như các nước đang phát triển đã làm.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII mới đây, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ nỗi “trăn trở” về ngành du lịch Việt Nam.

Theo Đại biểu Đại biểu Đinh Công Sỹ – Đoàn Đại biểu Sơn La, một số nguyên nhân khách quan khiến ngành du lịch sụt giảm trong năm qua có thể kể đến như tình hình căng thẳng trên biển Đông, chênh lệch tỷ giá...

Tuy nhiên, Đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý và điều hành chưa tốt, hoạt động chưa chuyên nghiệp, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, tự nâng giá...

“Dịch vụ du lịch của nước ta chưa đủ mạnh để giữ chân du khách, chiến lược phát triển ngành du lịch chưa rõ ràng. Do vậy, nếu không tự nâng cao tính kỷ luật, đạo đức kinh doanh thì rất khó cạnh tranh” – Đại biểu Đinh Công Sỹ bày tỏ.

Cùng chung quan điểm với Đại biểu Sỹ, Đại biểu Trần Dương Tuấn – Đoàn Đại biểu Bến Tre nhận định, vấn đề của ngành du lịch Việt Nam là những vấn đề hết sức căn cơ. Do vậy, Đại biểu kiến nghị, cần xây dựng đề án tái cơ cấu lĩnh vực dịch vụ – lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cần xác định nguyên nhân và giải pháp giải quyết những vướng mắc, thành lập tổ công tác liên bộ để điều chỉnh cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp “không khói” phát triển.

Hồi tháng 7 vừa qua, trước tình trạng du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm trong nhiều tháng liền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành, các bộ ngành khẩn trương có giải pháp để tạo sức bật mới cho ngành du lịch.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo trật tự kỷ cương, văn minh lịch sự. Đặc biệt, các tỉnh cần tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý giá cả.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong thời gian gần đây, để thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ liên tục có các Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Trong đó, Nghị quyết 40/NQ-CP đã nêu ra 3 nhóm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch. Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 nước; tương tự với Malaysia, Singapore...

Thứ hai, đầu tư cho công tác xác tiến quảng bá du lịch. Chính phủ, Nhà nước đã tập trung cho công tác này song nguồn lực còn hạn chế. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Chính phủ miễn thị thực đơn phương cho một số nước khác.

Thứ ba, để phát triển ngành du lịch, phải chặn đứng được việc ăn chặn. Nghị quyết 18 đã nêu ra các việc cần làm, quy định các cơ sở dịch vụ du lịch công khai và bán đúng giá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên