Từ mùng 2 Tết, tại TPHCM, các chợ và một số siêu thị đã mở
cửa bán hàng trở lại, người mua sắm cũng đã đi chợ. Ghi nhận thị trường ngày
mùng 3 Tết cho thấy giá cả vẫn còn đứng ở mức rất cao.
Chợ đẩy giá lên cao
Theo ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức,
Bình Điền, Hóc Môn từ tối mùng 1 Tết, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm đã
hoạt động trở lại.
Hiện lượng hàng về các chợ đã khá nhiều, hơn hẳn so với cùng
kỳ những năm trước. Tại mỗi chợ, có hàng chục xe tải tập kết hàng về mỗi ngày
với lượng hàng từ 400 tấn - 600 tấn. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty
Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, cho hay những năm trước
lượng hàng về rải rác, còn năm nay hàng hóa về tập trung hơn, nhưng giá vẫn còn
cao hơn lúc bình thường.
Mùng 2 Tết, siêu thị Hà Nội trên đường Cống Quỳnh (Q.1) đã
hoạt động trở lại. Ngày mùng 3 Tết có thêm siêu thị BigC mở cửa bán hàng suốt
ngày như ngày thường. Cũng từ mùng 3, Co.opMart mở cửa bán thịt gà phục vụ cúng
ông bà và dự kiến mùng 4, mùng 5 Tết hệ thống siêu thị này sẽ mở cửa buổi
sáng...
Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy lượng hàng hiện không còn
dồi dào như trong Tết do nhiều nhà cung cấp, nhà sản xuất vẫn còn nghỉ Tết chưa
giao hàng mới. Dự kiến phải đến mùng 6 Tết trở đi mới có nhiều hàng trở lại.
Ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Citimart, cho biết hiện đầu vào gặp
nhiều khó khăn nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống nhưng các nhà bán lẻ
cũng đã có kế hoạch hợp đồng chặt chẽ với nhà cung cấp để hạn chế tình trạng
thiếu hàng và có mức giá ổn định như trong Tết...
Tại nhiều chợ lẻ, hàng hóa về chưa nhiều, một số mặt hàng
rau củ không đủ hàng bán nên giá cũng bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Ở chợ Văn
Thánh, Bà Chiểu, Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), Hòa Bình (Q.5)... giá cá lóc nuôi lên
đến 55.000 đồng/kg, cá lóc đồng 100.000 đồng/kg, cá diêu hồng 45.000 đồng -
50.000 đồng/kg (đều tăng khoảng 20% so với ngày thường). Thịt bò phi lê lên
170.000 đồng - 180.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10% so với trước Tết. Các mặt
hàng rau củ quả cũng đua nhau tăng giá (dưa leo 20.000 đồng/kg, bắp cải 15.000
đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg; quýt 35.000 đồng/kg, xoài cát 40.000 đồng/kg,
táo 80.000 đồng/kg...).
Hàng bình ổn còn khoảng 30%
Theo các đơn vị tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết
yếu dịp Tết, họ sẽ tiếp tục bán hàng với giá bình ổn (rẻ hơn giá thị trường từ
10% trở lên) đến ngày 15 tháng giêng như kế hoạch. Ông Châu Nhựt Trung, Tổng
Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết mùng 3 Tết công ty vẫn tổ chức
bán hàng lưu động đến các quận, huyện vùng ven (mỗi ngày có 10 xe bán hàng lưu
động).
Đồng thời, công ty có 12 điểm bán lẻ cố định mở cửa bán hàng từ mùng 2
Tết với giá ổn định như trong Tết (gà ta 83.000 đồng/kg, gà tam hoàng 48.000
đồng/kg, vịt từ 49.000 đồng- 50.000 đồng/kg). Từ mùng 2 Tết, Công ty Ba Huân đã
có 250 điểm/500 điểm bán lẻ mở cửa hoạt động trở lại. Giá trứng gà của đơn vị
này là 15.500 đồng/chục, trứng vịt 25.000 đồng/chục...
Nhiều đơn vị tham gia bình ổn giá cả hàng hóa Tết cho biết
hiện nguồn hàng dự trữ của họ còn khoảng 30%, đủ sức cung cấp cho thị trường.
Ông Trương Trí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay thường sau Tết
giá trứng sẽ giảm mạnh, nhất là trứng vịt nên khả năng vài ngày tới giá có thể
giảm khoảng 20%. Ông Châu Nhựt Trung nhận định giá thịt gà, vịt sắp tới cũng sẽ
giảm do sức tiêu thụ chậm trở lại trong khi nguồn cung ngày càng ổn định hơn...
Giá dịch vụ tăng vô tội vạ
Nhóm ngành hàng đang gây nhiều lo ngại nhất hiện nay là các
loại dịch vụ. Tại TPHCM, cận Tết, giá nhiều loại dịch vụ đã rất cao nhưng sau
Tết còn bị đẩy lên cao hơn. Giá rửa xe gắn máy tại một số điểm trên đường
Nguyễn Cư Trinh (Q.1), Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương (Q.5), Nguyễn Đình Chiểu,
Lý Chính Thắng (Q.3) đều từ 20.000 đồng-24.000 đồng/xe (gấp 2 lần ngày thường).
Nhiều quán ăn đẩy giá lên thêm từ 5.000 đồng-10.000 đồng/tô phở, hủ tíu từ cận
Tết nay vẫn chưa chịu giảm trở lại. Quán phở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai
(Q.1) bình thường 18.000 đồng/tô, gần Tết tăng lên 20.000 đồng, rồi lên tiếp
25.000 đồng và nay là 30.000 đồng/tô.
Quán phở lề đường Trân Đình Xu (Q.1) hiện
lên tới 35.000 đồng/tô. Một số quán khu vực gần chợ Bến Thành còn “chém” bạo
hơn (40.000 đồng- 55.000 đồng/tô phở hoặc hủ tíu)... Người bán viện đủ lý do
như thiếu người phụ việc nên phải thuê giá cao gấp đôi, gấp ba; giá nguyên liệu
chế biến thứ gì cũng tăng...
Hà Nội: Chóng mặt với giá thực phẩm
Đến ngày 16-2 (mùng 3 Tết), tại các chợ nội thành Hà Nội như
Hàng Bè, Hàng Da, Chợ Hôm Đức Viên, Châu Long, Hòa Nhai, Ngô Sỹ Liên... không
còn cảnh thiếu các loại rau xanh như ngày 30 Tết nhưng giá vẫn tăng cao. Hầu
hết các loại rau, củ quả như bắp cải, xu hào, cà chua, cải cúc, rau cần, rau
sống (mùi, xà lách, rau thơm...) đều tăng từ 3 đến 5 lần so với ngày thường.
Giá rau muống, xu hào, bắp cải, cải cúc, rau cần từ 10.000-12.000 đồng/kg. Giá
thịt, cá cũng tăng cao hơn ngày thường từ 10.000- 30.000 đồng/kg (trừ thịt gà,
thịt lợn không tăng nhiều).
Tăng nhiều nhất là các loại thủy, hải sản như tôm,
cá, cua ghẹ... Giá cá lóc, cá chép, cá trắm từ 80.0000-120.000 đồng/kg. Giá 1kg
ghẹ, cua gạch lên tới 400.000- 450.000 đồng/kg, tăng hơn 100.000 đồng/kg so với
ngày thường; giá tôm sú, tôm càng xanh cũng lên tới 220.000-250.000 đồng/kg.
Giá đồ ăn sẵn như phở bò, bún riêu, bún ốc, miến lươn...tăng
từ 10.000 đến 20.000 đồng/tô. Đặc biệt, tại các điểm di tích lịch sử, du lịch,
đền chùa như Phủ Tây Hồ, khu vực phố cổ, giá bát bún riêu, ốc, phở bò có nơi
lên tới 30.000- 40.000 đồng/tô...
Theo Nguyễn Hải
NLĐ