MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Duyệt Đề án điều tra tổng thể bể than đồng bằng Sông Hồng

Diện tích đánh giá tài nguyên than cấp 333 là 782 km2, trong đó diện tích thực hiện đến năm 2015 là 265 km2.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng".

Theo đó, Đề án nhằm mục tiêu điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng làm cơ sở để lựa chọn các diện tích thăm dò tiếp theo. Đồng thời, đánh giá tài nguyên các khoáng sản khác đi kèm trong quá trình điều tra than.

Tổng diện tích điều tra là 2.765 km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình (1.521 km2), Hải Dương (435 km2), Hưng Yên (398 km2), Nam Định (272 km2), Hải Phòng (106 km2), Hà Nam (33 km2). Diện tích đánh giá tài nguyên than cấp 333 là 782 km2, trong đó diện tích thực hiện đến năm 2015 là 265 km2.

Nhiệm vụ của Đề án nhằm khoanh định cấu trúc địa chất chứa than và các khoáng sản khác đi kèm; xác định các tầng trầm tích chứa than và các vỉa than; đánh giá tài nguyên than, xác định tiềm năng các khoáng sản khác gặp trong quá trình điều tra, đánh giá; dự báo ảnh hưởng kinh tế - xã hội khi tiến hành khai thác; đánh giá sơ bộ tác động của việc thi công Đề án đối với môi trường, kinh tế - xã hội trong khu vực điều tra; khoanh định các khu vực có đủ điều kiện để chuyển giao thăm dò.

Theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, về khai thác than, sẽ phấn đấu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đến năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn, trong đó bể than đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) khoảng 0,5-1 triệu tấn than thương phẩm; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn, trong đó bể than ĐBSH khoảng 2 triệu tấn than thương phẩm; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn, trong đó bể than ĐBSH khoảng trên 10 triệu tấn than thương phẩm.

Đối với bể than ĐBSH, trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015 thăm dò một số diện tích chưa than có triển vọng, có điều kiện địa chất-mỏ phù hợp để khai thác thử nghiệm, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuốc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải.

ĐBSH là vựa lúa lớn của cả nước và để đảm bảo an ninh lương thực cũng như bảo vệ môi trường, Bộ Công thương cho biết hiện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang được giao đánh giá lại chính xác lượng than và đề xuất giải pháp khai thác. 

Đại diện Bộ Công thương từng khẳng định, khi xây dựng đề án khai thác than, đề xuất các giải pháp công nghệ đảm bảo tiết kiệm đất và hạn chế tối đa ảnh hưởng tới an ninh lương thực của ĐBSH. Thêm vào đó, quy hoạch ngành mới xác định được định hướng tổng thể, giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng và phê duyệt đối với các dự án cụ thể.

Phương Dung

dungdp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên