MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN ký kết vay 4,8 tỷ USD vốn ODA, vẫn lo không đủ tiền cho đầu tư?

Nhờ quan hệ tốt với các tổ chức tài chính quốc tế, các ngân hàng nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết vốn vay ODA đạt 4,8 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, bài toán huy động vốn để triển khai các dự án trong giai đoạn tới vẫn là thách thức đặt ra với Tập đoàn này.

Theo EVN, cơ sở hạ tầng điện lực đã có phát triển vượt bậc. Đến cuối năm 2015 tổng công suất nguồn điện là 38.800 MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010), đứng thứ hai trong số các nước ASEAN và thứ 30 thế giới.

Trong đó, nguồn điện do EVN và các Tổng công ty phát điện (GENCO) sở hữu là 23.580 MW (chiếm 60,8% công suất của hệ thống). EVN hiện đang quản lý lưới điện trên 41.100 km đường dây 500-200-110kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và trên 440.000 km đường dây trung thế và hạ thế (tăng 1,2 lần so với năm 2010). Tổng dung lượng trạm biến áp 500 – 220 – 110kV tăng 1,8 lần so với năm 2010.

Tổng giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 492.000 tỷ đồng, tức là gấp 2,42 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.

Về nguồn điện, tổng công suất nguồn điện đã đưa vào phát điện là 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Các công trình nguồn điện tiêu biểu là Thủy điện Sơn La; thủy điện Lai Châu; các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…

Về lưới điện, đã hoàn thành 865 công trình lưới điện từ 110 – 500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.100km, tổng dung lượng trạm biến áp 55.600MVA.

Theo EVN, công tác thu xếp vốn cho đầu tư đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong kế hoạch năm 2011 – 2015, Tập đoàn và các Tổng công ty đã thực hiện quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn và hàng năm, thu xếp và giải ngân trên 320.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Trong những năm khó khăn nhất về vốn đầu tư là 2011 – 2012, các dự án nguồn và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Theo EVN, do quan hệ với các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế được duy trì tốt nên giai đoạn này EVN đã ký kết vay vốn ODA đạt 4,8 tỷ USD cho các dự án.

Đến cuối năm 2015 toàn bộ dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn để thực hiện trong các năm tới. Theo đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, việc EVN đã cân bằng được nguồn tài chính là thành quả rất tích cực mà Tập đoàn đã nỗ lực đạt được trong 5 năm qua.

"Có giai đoạn chủ nợ hỏi thăm sức khỏe, có văn bản gửi Chính phủ bảo ông này có vấn đề, với ba chỉ tiêu lớn chúng ta đều vi phạm. Nhưng 5 năm nay ta đã nỗ lực đạt được, toàn bộ cân bằng tài chính đã ổn định được và cải cách giá điện là thành công" - Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo kế hoạch mà EVN đưa ra, trong năm 2016 sẽ đầu tư xây dựng với tổng giá trị 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2015. Trong đó, đầu tư thuần là 96.874 tỷ đồng (nguồn điện là 55.407 tỷ đồng, lưới điện 41.074 tỷ đồng), tăng 4,4% so với năm 2015.

Giai đọan 2016 - 2020, EVN đặt ra kế hoạch sẽ đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện cấp bách, huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 trên 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới vẫn ở mức cao để EVN thực hiện các dự án, nên Phó Thủ tướng cho rằng trong điều kiện thị trường vốn vẫn chưa phát triển, ngành điện lại toàn đầu tư dài hạn nên việc huy động vốn trung dài hạn sẽ là rất khó khăn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên