MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN liên tục làm ăn có lãi

Trong các năm 2012-2014, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều có lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt khoảng 530 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,35%.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, đã nói như vậy tại Đại hội Thi đua yêu nước của Tập đoàn.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, EVN đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426 MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống).

Năm 2015, dự kiến kế hoạch điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm ước đạt 10,4%/năm. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng, đến hết năm 2015 tổn thất điện năng là 8%.

EVN cũng cho biết đã tập trung các nguồn lực vào đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch điện lực của các địa phương, với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Đến cuối năm 2014 doanh thu của Tập đoàn là 202.645 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu của Tập đoàn bình quân giai đoạn 2011-2014 ổn định qua các năm.

Trong các năm 2012-2014, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều có lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt khoảng 530 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,35%.

Nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 của EVN, EVN cho biết sẽ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chủ yếu như đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân với chất lượng ngày càng cao;

Đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện…

Tuy nhiên, EVN cũng cho biết khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn liên tục chịu ảnh hưởng, rủi ro lớn do biến động các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng phát điện, chính sách tín dụng, tiền tệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh điện phải đi trước một bước. Do đó, giai đoạn tới EVN cần thực hiện trọng tâm nhiệm vụ tái cơ cấu theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các ngành nghề chính và hoàn chỉnh bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn;

Đầu tư phát triển nguồn hệ thống điện bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện các giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tăng năng suất lao động, tiến tới đuổi kịp các nước trong khu vực về năng suất lao động;

Hoàn thành đưa điện về nông thôn đến 2020 với mục tiêu hầu hết các hộ dân có điện, cũng như mục tiêu điện khí hóa toàn quốc làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Ngọc Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên