MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN Telecom đang được tiếp nhận kiểu cuốn chiếu

Việc chuyển giao Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) từ tập đoàn Điện lực Việt Nam về tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang được làm theo kiểu cuốn chiếu. Dự kiến việc này hoàn tất vào cuối quí 1 năm nay.

Phát biểu tại một hội nghị do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel nói, việc sáp nhập thành công EVN Telecom vào Viettel mà vẫn đảm bảo quyền lợi của đối tác, khách hàng, người lao động của EVN Telecom đồng thời đảm bảo Viettel vẫn phát triển là một việc khó.

Với việc sáp nhập này, Viettel phải giải quyết việc làm cho 2.000 nhân viên của EVN Telecom; tiếp nhận, chuyển đổi gần một triệu khách hàng; trả nợ, đưa ra phương án sử dụng hiệu quả tài nguyên đã được EVN Telecom đầu tư...

Tiếp nhận nhân sự và hạ tầng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước đây có khoảng 4.000 nhân viên thuộc lĩnh vực viễn thông, trong đó khoảng 2.000 người làm việc tại EVN Telecom, 2.000 người làm tại các công ty điện lực thành viên (trước đây là các chi nhánh) trên toàn quốc của tập đoàn này. Lúc đó các công ty con của tập đoàn Điện lực là đại lý viễn thông (phát triển thuê bao, thu cước...) cho EVN Telecom nên cần đội ngũ nhân sự đông đảo.

Song, khi sáp nhập, chuyển giao, Viettel chỉ nhận 2.000 nhân sự thuộc EVN Telecom quản lý. Số nhân sự còn lại, ngành điện phải tự lo. Được biết, ngành điện đã có kế hoạch đào tạo lại 2.000 người này vào tháng 4 tới để sử dụng, còn hiện nay họ đang được sắp xếp những công việc tạm thời như thu tiền điện...

Do khác nhau về công nghệ giữa hai mạng di động, nên khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại không dây của EVN Telecom khi chuyển sang dịch vụ của Viettel phải đổi máy mới.

Với 2.000 cán bộ, nhân viên của EVN Telecom được chuyển sang Viettel đang dần dần được bố trí vào những bộ phận phù hợp. Những người không cảm thấy hài lòng với những vị trí công việc được sắp xếp thì có thể thi tuyển vào những bộ phận, công ty con thuộc tập đoàn Viettel. Trước đó, cũng có một số người tự động tìm và chuyển sang các cơ quan, đơn vị khác, ngoài Viettel.

Trước đây, EVN Telecom được tập đoàn Điện lực giao quản lý và vận hành các cơ sở hạ tầng viễn thông như: năm cổng kết nối quốc tế tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, An Giang và Quảng Trị; hơn 40.000 ki lô mét cáp quang tại các tỉnh thành trên cả nước; băng tần của hai mạng CDMA 450MHz và 3G; hệ thống đường trục Bắc-Nam với dung lượng thiết kế lên đến 400 Gbps.

Thông tin về việc chuyển giao, tiếp nhận hạ tầng (những gì sẽ được chuyển giao cho Viettel) hiện vẫn chưa được Viettel và tập đoàn Điện lực công bố. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, băng tần và hơn 6.000 trạm thu và phát sóng chắc chắn phải “đi theo” EVN Telecom để về với Viettel bởi để lại cũng không có ích lợi gì cho ngành điện.
Về băng tần, Viettel đã quyết định không sử dụng băng tần CDMA 450MHz, còn băng tần 3G thì có lẽ Viettel sẽ có kế hoạch sử dụng trong thời gian tới.

Về trạm thu và phát sóng, mặc dù khác biệt về công nghệ (EVN Telecom sử dụng công nghệ CDMA, Viettel lại sử dụng công nghệ GSM), nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, Viettel sẽ tận dụng được số trạm thu và phát sóng này vì Viettel có thể tự lắp đặt trạm thu và phát sóng nên việc chuyển đổi các trạm thu phát sóng này là việc hoàn toàn có thể. Hiện Viettel cũng đang dần tiếp nhận hơn 6.000 trạm thu và phát sóng của EVN Telecom.

Chuyển đổi khách hàng

Về khách hàng, khi tiếp nhận gần một triệu khách hàng từ mạng di động EVN Telecom, nếu để nguyên trạng, Viettel phải duy trì và quản lý hai nhóm khách hàng sử dụng hai công nghệ khác nhau sẽ phức tạp và khó khăn. Vì vậy, Viettel đã chọn cách yêu cầu khách hàng của EVN Telecom chuyển sang sử dụng công nghệ GSM của Viettel mà vẫn được giữ nguyên số cũ.

Và khách hàng của EVN Telecom phải đổi máy, sim và đăng ký lại thông tin thuê bao. Việc chuyển đổi này không dễ bởi Viettel phải dung hòa về quyền lợi khách hàng do chính sách khách hàng của hai mạng khác nhau (ví dụ Viettel chỉ có 20 chính sách nhưng EVN Telecom có tới 50 chính sách khách hàng). Đến nay, việc chuyển đổi thuê bao di động đã được Viettel hoàn tất.

Một phần việc khá nặng nề khác là Viettel đang phải chuyển đổi dịch vụ điện thoại cố định không dây E-com của EVN Telecom sang sử sụng điện thoại HomePhone của Viettel. Vì khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định không dây khá lớn, 70% tổng số khách hàng của EVN Telecom, trong khi cơ sở dữ liệu thông tin về khách hàng thiếu chuẩn xác, nên Viettel phải khá mất công khi cử người đi xác minh đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ này.

Cũng do khác nhau về công nghệ giữa hai mạng di động, nên khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại không dây của EVN Telecom khi chuyển sang dịch vụ của Viettel phải đổi máy mới. Để thuận lợi cho việc này, Viettel đã ban hành chính sách hỗ trợ khoản tiền tương đương với tiền mua máy cố định không dây HomePhone (300.000 đồng) và trừ dần vào tiền cước sử dụng của khách hàng.

Theo Vân Oanh

TBKTSG


cucpth

Trở lên trên