MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI năm 2009 nhìn từ 10 dự án lớn nhất

Khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, những dự án tỷ đô lại tiếp tục đổ vào Việt Nam, nơi môi trường kinh doanh vẫn hứa hẹn những “quả ngọt” lợi nhuận.

Suy thoái kinh tế khiến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu chậm chảy. Thu hút vốn FDI năm 2009 của Việt Nam chỉ còn bằng 30% năm 2008.

Nhưng khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, những dự án tỷ đô lại tiếp tục đổ vào Việt Nam, nơi môi trường kinh doanh vẫn hứa hẹn những “quả ngọt” lợi nhuận.

Nhìn lại 10 dự án có vốn đăng ký lớn nhất đầu tư vào Việt Nam trong năm 2009, vẫn có những điểm rất đáng lưu ý.

Thứ nhất, trong 10 dự án dẫn đầu về vốn đăng ký trong năm 2009, số lượng đã nghiêng hẳn về bất động sản và dịch vụ lưu trú ăn uống.

Cụ thể, có đến 6 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản; 2 dự án lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống; 1 dự án công nghiệp chế biến; 1 dự án khai khoáng.

So sánh tỷ trọng về vốn, trong khoảng 12,7 tỷ USD tổng vốn đăng kýcủa 10 dự án lớn nhất, bất động sản chiếm vị trí số 1 với 6,48 tỷ USD. Tiếp đến, lĩnh lực lưu trú ăn uống đứng thứ hai với 4,65 tỷ USD. Công nghiệp chế biến tiếp theo với 1,248 tỷ USD và cuối cùng là khai khoáng với 328,2 triệu USD.

Thứ hai, đa số các dự án, đặc biệt các dự án có vốn đầu tư lớn, đều mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong quý 4/2009.

Trong 5 dự án có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, có 4 dự án đăng ký trong nửa cuối năm 2008 (hai dự án nhận giấy chứng nhận đầu tư tháng 8 và 9, hai dự án trong tháng 10).

Thứ ba, tất cả các dự án đều đăng ký đầu tư vào các địa bàn phía Nam, Nam Trung bộ và Trung bộ. Một phần có thể do khu vực này các thủ tục cấp đất, cấp giấy phép dễ dàng hơn.

Trong 10 dự án này, Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 dự án; Đồng Nai 2 dự án; các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Dương và Tp.HCM mỗi nơi có một dự án (một dự án thuộc ngành Dầu khí).

Thứ tư, đáng chú ý lại có thêm một dự án thép trong số 10 dự án có vốn đăng ký lớn nhất. Trong khi, hàng loạt dự án thép mới đây được rà soát đã phát hiện nằm ngoài quy hoạch.

Cho nên, việc cấp phép thêm nhà máy thép, dù là chất lượng cao, chủ đầu tư là doanh nghiệp thép hàng đầu của Đài Loan, cũng khó giải thích với những chủ dự án khác.

Thứ năm, trừ một dự án có vốn đăng ký bằng với vốn điều lệ, các dự án còn lại có vốn điều lệ thấp hơn vài lần, thậm chí hàng chục, hàng trăm lần vốn đăng ký.

Nhìn trong các dự án bất động sản, dịch vụ lưu trú ăn uống, hiện tượng này càng nổi lên. Vấn đề đặt ra là nhà đầu tư có thực hiện dự án theo kiểu "mỡ nó rán nó", huy động vốn từ Việt Nam để tạo lợi nhuận chuyển ra ngoài nước?

Thứ tự các dự án theo số vốn đăng ký giảm dần:

1. Dự án khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng do hai Công ty TANO Capital, LLC và Global C&D, INC (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 400 ha tại xã Điện Dương (Điện Bàn - Quảng Nam).

Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng là tổ hợp du lịch với 9 khách sạn cao cấp hơn 15.000 phòng; trung tâm hội nghị quốc tế 10.000 chỗ ngồi; trung tâm thương mại quốc tế và khu văn phòng, nhà ở công vụ, khu căn hộ, biệt thự cao cấp... đồng thời kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài.

Vốn điều lệ của dự án này chỉ có 100 triệu USD, bằng1/41,5 lần vốn đăng ký (4,15 tỷ USD).

2. Dự án thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya do Công ty Berjaya Land Berhad’s - Công ty con của tập đoàn Berjaya (Malaysia), làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 600 hécta tại trung tâm thành phố Nhơn Trạch, gồm các khu nhà ở cao từ 18-45 tầng, các công trình dịch vụ, phân khu chức năng như các công trình hành chính, công trình văn hóa…

Đây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Đồng Nai với tổng vốn 2 tỷ USD. Vốn điều lệ của dự án này là 400 triệu USD, bằng 1/5 vốn đăng ký.

3. Dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Phú Thăng Long, liên danh của Smart Dragon Development LTD (Samoa) và Tuster Development LTD (Seychelles) làm chủ đầu tư.

Công ty Phú Thăng Long sẽ xây dựng 90.000 căn hộ cho người có thu nhập trung bình và thấp tại Bình Dương. Dự án đầu tiên gồm 7.839 căn hộ trên diện tích đất 29 ha tại xã Thới Hòa (huyện Bến Cát).

Vốn điều lệ của dự án là 10 triệu USD, bằng 1/170 lần vốn đăng ký (1,7 tỷ USD).

4. Dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa do Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, tổng diện tích khoảng 1.347,8 ha thuộc thành phố Tuy Hòa và một phần huyện Đông Hòa và Tây Hòa.

Dự án bao gồm khu trung tâm thành phố có diện tích khoảng 394 ha; khu công viên văn hóa giải trí diện tích khoảng 753,8 ha; khu du lịch Vực Phun diện tích khoảng 200 ha.

Vốn điều lệ dự án là 350 triệu USD, chưa bằng 1/4 vốn đăng ký (1,68 tỷ USD).

5. Dự án nhà máy thép do Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam, liên doanh của Tập đoàn China Steel (Đài Loan), Sumitomo Metal Industries và Sumitomo Corporation (Nhật Bản), làm chủ đầu tư.

Nhà máy thép có diện tích 109 ha tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), có công suất 1,6 triệu tấn/năm, sản xuất sản phẩm thép cao cấp phục vụ công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy, sản xuất ôtô xe máy, điện, điện tử…

Vốn điều lệ của dự án là 574 triệu USD, gần bằng 1/2 tổng vốn đăng ký (1,148 tỷ USD).

6. Dự án khu đô thị mới Tóc Tiên do Công ty TNHH Phát triển đô thị Charm (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vốn điều lệ của dự án này là 150 triệu USD, bằng 1/4 vốn đăng ký (600 triệu USD).

7. Dự án đầu tư xây dựng vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu do Công ty cổ phần đầu tư vườn thú hoang dã và khu nghỉ dưỡng Bình Châu - Việt Nam (Hồng Kông) làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là đầu tư vườn thú hoang dã, kinh doanh khu du lịch, khách sạn…

Dự án có tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD; vốn điều lệ 75 triệu USD, gần bằng 1/6 tổng vốn đăng ký

8. Hợp đồng về khảo sát địa chất và khai thác dầu khí các lô số từ 129 đến 132 do Công ty Gazprom-Zarubejneftegaz (Liên bang Nga) làm chủ đầu tư.

Có hiệu lực trong 30 năm, với khả năng gia hạn thêm 5 năm, Hợp đồng quy định khảo sát địa chất và khai thác nhiên liệu khí ở khu vực dầu khí Nam Côn Sơn với diện tích 28,4 nghìn km2.

Dự án có vốn đăng ký bằng vốn điều lệ (328,2 triệu USD).

9. Dự án khu phức hợp 9A2 (Khu đô thị mới Nam Tp.HCM) do Công ty TNHH Việt Liên LUKS (British Virgin Islands) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 19,4 ha.

Dự án nằm tại xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, bao gồm nhà ở và khu thương mại dịch vụ, dự kiến hoàn thành trong 4 năm và sau khi đưa vào hoạt động sẽ có khoảng 4.000 dân sinh sống.

Vốn điều lệ của dự án là 79 triệu USD, tương đương hơn 1/4 vốn đăng ký (trên 294 triệu USD).

10. Dự án khu đô thị Phú Hội do Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội, liên danh của Công ty Cổ phần Licogi 16 (góp 70% vốn bằng quyền sử dụng đất) và Vinaland Eastern Limited (22,5%), Vinaland Heritage Limited (7,5%) làm chủ đầu tư.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tương đương với cấp đô thị loại II tại xã Long Tân và xã Phú Hội (Nhơn Trạch - Đồng Nai) để bán và cho thuê. Tổng diện tích đất 839.900 m2.

Vốn điều lệ của dự án là 985 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD, hơn 1/4 vốn đăng ký của dự án (205,7 triệu USD).

* Dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng từ năm 2007 đã từng bị báo giới đặt câu hỏi về khả năng tài chính của chủ đầu tư.

* Mới đây, Licogi 16 đã chuyển nhượng 40% vốn tại Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội cho hai đối tác nước ngoài. Một số ước tính cho rằng, lợi nhuận chênh lệch từ việc góp vốn của Licogi 16 khoảng trên 300 tỷ đồng.

Theo Anh Quân
 VnEconomy

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên