MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Financial Times: Việt Nam là “ngôi sao đang lên”

Tờ Financial Times của Anh nhận định, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc - “công xưởng sản xuất của thế giới” và trở thành “ngôi sao đang lên” của các thị trường mới nổi.

Bài viết mới được đăng tải trên Financial Times cho rằng, khi nhắc đến đầu tư vào các thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư đều cảm thấy hứng thú song họ cũng luôn thận trọng do mức độ rủi ro cao.

Ông Ramon Tol- Giám đốc Quỹ đầu tư Blue Sky Group của Hà Lan với vốn sở hữu lên tới 16 tỉ bảng Anh giải thích rằng những bất ổn kéo dài tại khu vực Trung Đông sẽ khiến cho việc phân bổ vốn đầu tư vào khu vực này giảm dần.

Một danh mục đầu tư có tổng nguồn vốn 120 triệu bảng, nhưng chỉ có 2% trong số này đầu tư vào các thị trường mới nổi. “Chúng tôi chỉ dành dưới 1% nguồn tài chính phân bổ cho các thị trường mới nổi. Bởi những lo ngại về rủi ro có thể xảy ra khiến chúng tôi thận trọng hơn trong chính sách đầu tư” – Ông Tol cho biết.

Theo ông Tol, khu vực Trung Đông có nhiều quốc gia là những nền kinh tế mới nổi và tác động lớn đến việc phân bổ vốn đầu tư. Thực tế đã có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào khu vực này nhưng còn khá dè dặt do lo ngại đã hết dư địa để tăng trưởng.

Hầu hết các quỹ đầu tư đều lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sau một vài năm khó khăn, tương lai của các nền kinh tế mới nổi có vẻ sáng hơn.

“Chúng tôi tin chắc rằng, các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi sẽ thu được lợi nhuận lớn trong vòng 5 năm tới, không như 5 năm trước đây” – Ông Bernard Moody, Giám đốc Quỹ đầu tư Advance Emerging Capital chia sẻ.

Trong khi đó, ông Mark Mobius – Chủ tịch Quỹ đầu tư Templeton cũng rất lạc quan về triển vọng các thị trường mới nổi. Ông cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của thị trường này sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư ở 3 phương diện: tiềm năng tăng trưởng, giá trị và quy mô thị trường.

Theo ông Mobius, Nigeria, Ghana, Qatar và Vietnam là những “ngôi sao đang lên” trong các thị trường mới nổi và là những quốc gia thay thế vị trí của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc 20 năm trước đây.

Các nước cận vùng sa mạc Sahara đang hưởng lợi nhờ tốc độ tăng trưởng lớn và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Điển hình là Nigeria khi GDP bình quân đầu người của nước này đã tăng từ 390USD năm 2000 lên 1.650 USD năm 2012.

Andrew Brudenell – Giám đốc Quỹ đầu tư các thị trường mới nổi của HSBC cho biết, Nigeria có quy mô dân số lớn, chế độ chính trị ổn định và có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư.

Nhưng câu chuyện về tiềm năng tăng trưởng của thị trường mới nổi còn diễn ra ở bất cứ đâu, như châu Á và Trung Đông – nơi mà các nền kinh tế được thúc đẩy bởi nguồn lực trong nước, cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư tư nhân.

Một điều quan trọng hơn cả là những nhân tố tích cực đóng góp vào tăng trưởng của khu vực này thường đi ngược với xu thế của nền kinh tế toàn cầu và do đó ít chịu biến động của kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên, vẫn có những rủi ro khi đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi do thị trường ngách hẹp và khó thu hồi vốn. Mark Livingston – Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của Quỹ đầu tư toàn cầu Fidelity nhấn mạnh, những rủi ro của việc mất vốn khi đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng tương tự như sự biến động hàng ngày của thị trường chứng khoán.

Số liệu ghi nhận của Financial Times cho thấy, các thị trường mới nổi không phải lúc nào cũng tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như trong giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, các thị trường này tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Trong vài năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi cũng tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển, trung bình khoảng 10%. Tuy nhiên, xét về dài hạn, bức tranh có vẻ tươi sáng hơn.

“Do tính bất ổn của các thị trường mới nổi nên cơ hội sẽ rất nhiều và các nhà đầu tư mạo hiểm hoàn toàn có thể thu được lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, rủi ro luôn đan xen và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào” – Ông Sven Richter, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi của Quỹ đầu tư Renaissance nhận định.

Lam Nguyễn

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên