MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội mở đến đâu?

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc sẽ thúc đẩy kim ngạch song phương giữa hai nước, đồng thời mở ra hàng loạt cơ hội về XK hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên thách thức cũng đến với không ít ngành hàng.

Đã nhìn thấy cơ hội

Ngày 5-5 là mốc thời gian quan trọng khi Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc sau hơn 2 năm đàm phán. Với FTA này, hàng XK của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị NK (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản XK chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị NK (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần NK phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn NK từ một vài nước khác.

Ngay sau khi FTA được ký kết, nhiều hiệp hội, ngành hàng tỏ thái độ phấn khởi  bởi những lợi ích mà hiệp định này mang lại cho DN. Là một trong những ngành hàng có lợi thế lớn từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc ký kết tạo cơ hội XK cho hàng thủy sản Việt Nam. Trong hiệp định cũng nói đến việc Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn tôm/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN”.

Theo phân tích của ông Dũng, tôm là mặt hàng XK quan trọng nhất của Việt Nam sang Hàn Quốc. Năm 2014, trong 66 triệu USD hàng thủy sản XK sang Hàn Quốc mặt hàng tôm chiếm tới hơn một nửa kim ngạch. Do vậy, ưu tiên của Hàn Quốc đối với tôm Việt Nam tạo ra cơ hội cho DN, đặc biệt là nhóm sản phẩm chế biến có mã HS 1605 là mặt hàng DN Việt Nam có thế mạnh, có lợi thế (thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam là chế biến).

Nếu so sánh với 600.000 tấn sản lượng tôm của cả nước thì hạn ngạch 10.000 tấn Hàn Quốc dành cho Việt Nam chiếm tỷ trọng không lớn. Tuy nhiên, đây là khởi đầu để chúng ta tăng dần trong những năm sau theo đà hợp tác phát triển giữa hai nước.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch HH Chế biến và XK thủy sản VN

Theo ông Dũng, không chỉ tôm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc cũng là nhóm hàng quan trọng của Việt Nam khi XK sang Hàn Quốc và tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này sẽ tốt hơn trong năm 2015 nhờ có hiệp định này.

Cùng với niềm vui gia tăng XK của ngành thủy sản, DN ngành gỗ đang “háo hức” trông chờ FTA Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đưa Hàn Quốc trở thành thị trường XK lớn của Việt Nam, chứ không chỉ còn là nước XK đứng thứ 6, thứ 7 như hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng trông đợi nhất ở FTA này của ngành gỗ được ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) chia sẻ là thuế NK nhiều loại nguyên liệu của ngành gỗ sẽ về 0%. “Nguyên liệu NK từ Hàn Quốc như ván nhân tạo, gỗ dán trước khi FTA ký kết có thuế rất cao từ 5-10% nhưng khi thuế suất NK về 0% thì lợi quá. Mỗi m3 gỗ NK có thể giảm từ 300.000 đến 400.000 đồng nhờ vào giảm thuế”, ông Quyền cho biết.

Có tận dụng được hết?

Tuy cơ hội đầu tư, XK mở ra rất lớn, nhưng thách thức đi kèm là không hề nhỏ. Những thách thức này cũng được Bộ Công Thương nhìn thấy. Thứ nhất, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các DN trong nước. Tuy nhiên, lợi ích thu được từ hiệu quả NK và XK, động lực thúc đẩy DN Việt Nam vươn lên ứng phó với thách thức... sẽ là những yếu tố quan trọng giúp cho sản xuất trong nước phát triển.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế. Thứ ba, các địa phương, cộng đồng DN và người dân cần phải nhận thức đầy đủ hơn về tiến trình hội nhập nói chung và việc thực hiện FTA Việt Nam - Hàn Quốc nói riêng, qua đó mới có thể khai thác hiệu quả các lợi ích cũng như hạn chế những tác động bất lợi của hiệp định.

Về phía DN, những thách thức này, cộng đồng DN cũng đã nhìn thấy rõ, kể cả những mặt hàng được cho là hưởng lợi nhiều nhất như thủy sản, dệt may, đồ gỗ... Ông Dũng cho biết, hàng rào thuế giảm nhưng đi kèm với đó là hàng rào kỹ thuật tăng lên. Đây là điều tất nhiên và DN buộc phải tập trung vào vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Chưa hết, với thị trường Hàn Quốc, người tiêu dùng Hàn Quốc đã quen dần với những yêu cầu quốc tế đòi hỏi sản phẩm phải đạt chứng nhận bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh… Trong khi yêu cầu về chất lượng không kém thị trường khó tính Nhật Bản nhưng mức giá ở Hàn Quốc thấp hơn Nhật Bản là thách thức lớn của DN, đòi hỏi DN phải có tính toán trong cách làm để XK hiệu quả. Ngay cả cơ hội đã “nhìn thấy” là ưu đãi 10.000 tấn, theo ông Dũng cũng không phải hoàn toàn tận dụng được bởi mức thuế suất như thế nào chưa cụ thể.

Với DN ngành gỗ, thách thức lại xuất phát từ áp lực cạnh tranh với hàng NK. Theo vị đại diện Vietfores, hiện Việt Nam đang đầu tư các nhà máy MDF quy mô triệu m3/năm nhưng nếu sản phẩm MDF Hàn Quốc vào rẻ hơn tràn vào Việt Nam thì chắc chắn sản phẩm của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh.

Như vậy, cơ hội thường đi kèm với thách thức bởi lẽ trong mọi cuộc đàm phán, theo Bộ Công Thương, để đảm bảo cả hai bên đều có lợi, chúng ta cũng phải dành cho họ những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam. Chưa thể cân đo giữa cái được và cái mất lúc này nhưng có điều chắc chắn là DN phải thay đổi để thích ứng với “cuộc chơi” mới.

>>>Hiệp định VKFTA: Những mặt hàng nào được giảm thuế ?

Theo Phan Thu

 

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên