MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gánh nặng gần 250.000 tỷ đồng trả và đảo nợ năm 2016, nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới

Các khoản nợ công sẽ phải thanh toán nhiều nhất rơi vào thời điểm năm 2022 – 2025.

Như vậy, tức là chỉ khoảng vài năm nữa nợ công sẽ thực sự là “điểm nóng” khi Việt Nam phải đối diện với vấn đề trả nợ và đảo nợ một cách căng thẳng nhất. Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết là khoản vay nợ của Việt Nam có thời gian dài nhất là đến năm 2055.

Vị này cũng cho biết thêm là từ nay đến năm 2020 việc trả và đảo nợ chưa phải nhiều. Trên cơ sở tính toán dòng tiền và các khoản vay thì thời điểm phải trả nợ nhiều nhất rơi vào các năm từ 2022 – 2025. Điều này đồng nghĩa, đây là những năm mà Việt Nam sẽ phải chịu áp lực căng thẳng nhất trong việc thanh toán các khoản nợ.

Mặc dù chưa đến thời điểm “nóng bỏng” trong việc thanh toán các khoản nợ công, song ngay từ lúc này vấn đề trả và đảo nợ cũng đang đặt ra nhiều thách thức với các nhà điều hành. Bởi trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ chi thì việc cân đối các khoản nợ cũng hết sức gay go.

Dẫn chứng là trong năm 2015 tổng nợ phải trả là 275.000 tỷ đồng, nhưng trong cân đối ngân sách mới trả được 150.000 tỷ, còn 125.000 tỷ phải đảo nợ. Sang năm 2016, ngân sách cũng chỉ cân đối để trả nợ được khoảng 154.000 tỷ đồng và vẫn phải đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả và đảo nợ chiếm tới 24% tổng thu ngân sách Nhà nước của năm nay theo xác nhận của đại diện Bộ Tài chính.

Trong báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 vừa qua cũng bày tỏ nỗi lo lắng trước tình hình ngân sách hiện nay. Trong khi nợ công đang ngày càng tăng nhanh và sắp đến ngưỡng an toàn, nợ Chính phủ đã vượt trần, thì nguồn thu ngân sách hiện nay đã không đáp ứng được cho chi thường xuyên và trả nợ.

Thực tế, trong tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua, thì chi đầu tư luôn ở mức thấp nhất trong khi chi trả nợ tăng khoảng 1,83 lần và chi thường xuyên tăng tới 2,53 lần. Chi thường xuyên và trả nợ tăng nhanh, nhiều khoản chi lại chưa được quản lý chặt chẽ, kém hiệu quả. Dẫn đến, hầu hết các khoản chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ, càng làm cho áp lực nợ công tăng cao và áp lực trả nợ ngày càng lớn.

Theo chủ trương mới được Chính phủ đưa ra, thay vì cấp phát vốn cho các địa phương thì Nhà nước sẽ tiến hành cho vay lại và chỉ cấp phát cho những dự án an sinh, không có khả năng thu hồi vốn. Ông Hùng cho biết các khoản mà địa phương trực tiếp đi vay thì vẫn được tính vào nợ công, nên sẽ không làm thay đổi nợ công. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng của chủ trương này là tăng cường và đảm bảo tính hiệu quả của khoản vay và đặt ra vấn đề địa phương phải có trách nhiệm với vốn vay.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên