MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gập ghềnh PCI ở tỉnh nghèo

Theo kết quả khảo sát của PCI trong năm 2013, chỉ có 13 DN chọn Kon Tum là địa bàn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong khi con số này ở TP HCM là 347, Đà Nẵng là 235 và tỉnh gần nhất với Kon Tum – tỉnh Gia Lai là 39 DN. Đặc biệt, trong số 13 DN này, không có DN nào chọn đầu tư tại đây vì lý do chất lượng điều hành tốt, cũng như đánh giá cao về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động tại đây.

Theo số liệu và kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2013 tăng 15 bậc so với năm 2012, đứng thứ 44/63 (với 56,04 điểm) và xếp loại trung bình trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành trên cả nước; so với 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum đứng thứ 4.

Từ những câu chuyện nhỏ

Trong một cuộc trò chuyện bên lề Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 tại tỉnh Kon Tum, Giám đốc một DN (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: vấn đề thủ tục hành chính, đặc biệt về thuế là vướng mắc lớn nhất khi ông tiến hành mở rộng đầu tư tại đây.

Ông chia sẻ, đầu năm 2014, Ban lãnh đạo Cty họp, đưa ra yêu cầu việc nộp thuế phải hoàn thành trong từng tháng và chỉ đạo công việc này được giao cho một nhân viên kế toán làm. Mặc dù chỉ làm duy nhất một việc như thế nhưng anh này vẫn không hoàn thành nhiệm vụ với lý do mỗi lần đến làm hồ sơ thuế, lại được các cán bộ thuế hướng dẫn các kiểu khác nhau, có khi làm xong xuôi hồ sơ lại phải làm lại. Tôi không tin nên đã đi cùng với nhân viên kế toán đến cơ quan thuế và thấy đúng như vậy. 

Các quy trình, thủ tục nộp thuế không thống nhất, ngay cả cán bộ tư vấn thuế cũng hướng dẫn rất khó hiểu. Mà nộp không kịp thì bị phạt, như Cty của tôi, mặc dù mỗi năm nộp cho ngân sách tỉnh hơn 40 tỉ đồng nhưng chậm 1 ngày vẫn vi phạm, mà lại không phải là lỗi của DN.“Giấy tờ rối rắm làm DN mất nhiều thời giờ chạy đi chạy lại, và cũng phải “có cái gì đấy” mới được việc. Khoản chi này khó thống kê được nhưng chắc chắn là không nhỏ với nhiều DN”- vị này cho biết.

Điều này cũng cùng chung nhận định với ông Nguyễn Trọng Hảo - Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum. Ông Hảo cho biết, mặc dù trong năm 2013 chỉ số PCI Kon Tum có bước tiến đáng kể nhưng nhiều chỉ số đang có vấn đề - đặc biệt là liên quan đến hoạt động của bộ phận một cửa (chỉ số chi phí gia nhập thị trường. 

Ông Hảo cho rằng, bộ phận một cửa của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang hoạt động không hiệu quả khi mức độ hài lòng của DN đối với hoạt động của bộ phận này đều dưới 50%, đặc biệt có đến 84,71% DN cho bộ phận một cửa không ứng dụng công nghệ thông tin và 76,47% không am hiểu chuyên môn. “Nguyên lý một cửa là khi tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu với các quy định phải biết được DN cần bao nhiêu giấy tờ; thủ tục và hồ sơ của DN đã đáp ứng được yêu cầu chưa. 

Nếu đủ thì giải quyết cho DN nhanh nhất có thể. Nếu chưa đủ thì phải biết là DN thiếu gì để yêu cầu DN bổ sung. Đằng này hôm nay yêu cầu cái này, ngày mai yêu cầu cái khác làm cho DN rất bất bình khi làm các thủ tục. Tình trạng này đang xảy ra tại Kon Tum và đây là một trong những hạn chế trong thu hút đầu tư của tỉnh” - ông Hảo nhìn nhận.

Xây dựng văn hóa đồng hành cùng DN

Vào tháng 4/2014, tức chỉ 1 tháng sau công bố bảng xếp hạng PCI, tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2015. 

Theo đó, để xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu để các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ đã đề ra nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh sôi nổi, từ đó tạo động lực cho thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm để phấn đấu đến năm 2015, nâng mức xếp hạng PCI của tỉnh vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI thuộc nhóm khá của cả nước.

Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động này, trong đó nêu rõ: việc hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Với Kon Tum, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của DN chính là cách thức tốt nhất để tạo lập niềm tin và tạo thiện cảm của DN với chính quyền.

Ông Nguyễn Đức Tuy - PCT UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Các cấp các ngành của tỉnh Kon Tum đang phân tích sâu những điểm yếu, điểm mạnh của mình và có các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

Theo ông Tuy, Kon Tum đang rất quyết tâm cải thiện các chỉ số như chi phí thời gian thực hiện quyết định của Nhà nước, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí gia nhập thị trường để tạo điều kiện hoạt động thuận lợi nhất cho DN. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện PCI của tỉnh nhà.

Nhìn vào kết quả PCI 2013, dường như điều này đang là “nỗi ám ảnh” với tỉnh Kon Tum. Theo đó, mặc dù chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh có cải thiện tích cực song hiệu quả thực thi của các cấp sở ngành, huyện thị lại đang có vấn đề. Cụ thể, có đến 75% ý kiến của DN được hỏi cho biết có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở ngành – đứng thứ 55/63 tỉnh thành; và đối với câu hỏi lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện.

Về giải pháp cho tỉnh Kon Tum, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, thành viên của nhóm nghiên cứu PCI cho biết: đặc điểm của những tỉnh có PCI tốt thường là chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin liên quan đến kinh doanh được công khai; chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho thanh, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính thấp; môi trường kinh doanh bình đẳng; lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo… 

“Với Kon Tum, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của DN chính là cách thức tốt nhất để tạo lập niềm tin và tạo thiện cảm của DN với chính quyền. Về lâu dài, tỉnh Kon Tum cần xây dựng văn hóa đồng hành cùng DN, văn hóa đối thoại với DN không chỉ ở lãnh đạo cấp tỉnh mà còn ở các sở ban ngành, cấp huyện và đặc biệt là những công chức trực tiếp làm việc với DN. 

Chỉ có như vậy mới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch được” - ông Tuấn nhấn mạnh.

>>>PCI, chuyện của một tỉnh “đội sổ”


Theo Nguyễn Phước

cucpth

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên