MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gay go chuyện ngân sách, Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình tài chính ngân sách “nóng bỏng” như hiện nay là đáng lo ngại.

Trong báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra, ông Trương Văn Phước thẳng thắn chỉ ra là dù câu chuyện cân đối ngân sách khó khăn đã diễn ra nhiều năm nay, song nếu như các năm trước trần nợ công vẫn còn, thì nay trần nợ đã gần như chạm mức quy định.

Dẫn chứng, trần nợ công gần chạm ngưỡng 65% bội chi ngân sách là 5,7% nên đây sẽ là thách thức lớn đặt ra với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì bộc lộ nỗi lo lắng khi đánh giá về tình hình ngân sách: “Ngân sách năm rồi gay, tiếp tục dự báo gay thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Việt Nam”.

Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới trong năm qua tác động rất lớn đến Việt Nam, nên TS. Thiên lo ngại việc mở cửa sâu rộng có thể ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong nước, nếu như không có đánh giá đầy đủ về tình hình kinh tế và ngân sách.

Trong đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặc biệt lưu ý đến tình hình kinh tế Trung Quốc và diễn biến của giá dầu. Theo TS. Thiên, hiện cả thế giới đang “bất an” với giá dầu, trong khi Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, vừa là nước nhập khẩu xăng dầu, nên sẽ vừa hưởng lợi, nhưng cũng sẽ bất lợi nếu giá dầu xuống mạnh sẽ tác động lớn đến ngân sách.

Báo cáo của UBGSTC cho thấy, trong năm 2015 nền kinh tế đã đạt được bước tăng trưởng khá với 6,8% và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, TS. Thiên cho rằng trưởng cao mà lạm phát thấp là bất bình thường nên cần phải hết sức lưu ý về vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế chương trình giảng dạy Fulbright cho rằng nền kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhưng thấp hơn trước, song đây là cơ hội cho thời kỳ tăng trưởng mới. Mặc dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhưng việc tham gia hội nhập sâu rộng thì Việt Nam đang trở thành điểm sáng tăng trưởng.

Do đó, ông Thành nhận định năm 2016 mức tăng GDP có thể đạt 6,7% nếu như phát huy được những điều kiện tốt nhất và không có nhiều bất lợi cho nền kinh tế như Trung Quốc không phá giá đồng NDT và FED không tăng lãi suất.

TUy nhiên, nếu tính theo khách quan, loại bỏ 1% từ khai thác tài nguyên, nông nghiệp giảm 0,5% vì hạn hán, thì mức tăng trưởng có thể sẽ bị giảm đi 1,5%. Còn theo nhận định của UBGSTC thì mức tăng trưởng của năm 2016 sẽ khoảng 6,7 – 6,8% và lạm phát ở mức 3 – 3,5%.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên