MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP Việt Nam sẽ tăng ngay 1% nếu áp dụng phương pháp sau

Đó là cách chuyển thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán điện tử mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ ra tại diễn đàn VEPF 2015 - bàn về thương mại điện tử diễn ra sáng nay 16/12.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, hiện nay trên thế giới có những quốc gia thanh toán điện tử chiếm tới hơn 90% tổng lượng thanh toán.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, chỉ cần một quốc gia chuyển thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng lượng thanh toán, không cần làm gì khác, thu nhập bình quân (GDP) đã tăng ngay lên 1%.

Và Việt Nam hoàn toàn tăng GDP 1% nếu thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Bởi vì, Việt Nam hiện có trên 40 triệu người sử dụng dịch vụ 3G, trong đó phần lớn là những người trẻ tiếp cận rất nhiều ứng dụng. Các giải pháp công nghệ đều có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng cả về độ thuận tiện cũng như mức độ chi phí.

Tuy nhiên, nhận định về tình hình thanh toán điện tử ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kể từ năm 2005, dù đã đưa ra nhiều chương trình cải cách hành chính nhưng "mảnh đất" thương mại điện tử vẫn còn giàu tiềm năng.

Thanh toán điện tử Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng giữa chính phủ với doanh nghiệp, giữa chính phủ với người dân hay giữa các doanh nghiệp.

"Thói quen thanh toán bằng tiền mặt ảnh hướng rất lớn đến quốc tế dân sinh, nếu thay đổi thói quen này thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, không chỉ về GDP mà còn góp phần làm minh bạch hóa để phòng và chống tham nhũng, lãng phí", ông khẳng định.

Hơn thế nữa, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thanh toán điện tử còn là thước đo để nước ngoài nhìn vào Việt Nam là một đất nước thật sự đang đi theo khẩu hiệu, mục đích dân chủ, công bằng và văn minh.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ mong muốn và đã xúc tiến thanh toán điện tử bằng hàng loạt các nghị định, quyết định, nghị quyết phê duyệt các đề án về chính phủ điện tử, về dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh, chương trình phát triển thương mại điện tử…

Theo đó, một mặt hướng đến việc giảm thanh toán bằng tiền mặt, một mặt tạo cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử ngày càng rộng rãi hơn. Việc khuyến khích này không phải bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, không chỉ bắt đầu bằng giảm phí dịch vụ mà chắc chắn phải bắt đầu từ việc tuyên truyền làm cho mọi người dân biết và thay đổi thói quen.

“Nếu tất cả các bên cùng chung tay để làm cho thanh toán điện tử trở nên quen thuộc và thuận tiện với mọi người dân thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển tốt hơn, văn minh giao dịch của nước ta chắc chắn sẽ được nhìn nhận đúng hơn”, Phó Thủ tướng nói.

 

Theo Tô Mạn

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên