MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đầu vào của mặt hàng xăng dầu vẫn là bí ẩn?

Nếu DN xăng dầu lãi cao hơn định mức 1.350 đồng, thì cần phải xem xét, bóc tách và giám sát từng khâu, đặc biệt là giá đầu vào.

Nội dung nổi bật:

- Giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua, song giá xăng dầu trong nước chỉ giảm "nhỏ giọt" và mức chi của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng giảm. Có thông tin cho rằng các DN kinh doanh xăng dầu đang lãi lớn khi chi đậm hoa hồng cho đại lý?

- TS. Ngô Trí Long cho rằng các DN xăng dầu không lỗ vì quy định chi phí định mức 1050 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nên nếu có trường hợp DN chi đậm cho đại lý thì cần bóc tách và giám sát từng khâu, đặc biệt là giá đầu vào.

- Cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập như Quỹ bình ổn giá, chu kỳ điều hành 15 ngày, mức chi hoa hồng cho đại lý, giá đầu vào...


Giá xăng dầu thế giới liên tục có xu hướng giảm mạnh, khi đạt mức thấp nhất kể từ tháng 3 và “chạm đáy”. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước gần như vẫn “cố thủ” khi giảm rất nhỏ giọt, chỉ với 590 đồng/lít trong hai lần gần đây nhất.

Thay vào đó, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng giảm. Cụ thể, trong đợt điều chỉnh giá ngày 4/7, mức chi cho mặt hàng xăng khoáng đã giảm từ 1.047 đồng/lít xuống còn 527 đồng/lít.

Lần điều chỉnh gần đây nhất ngày 20/7, cơ quan điều hành quyết định dừng chi sử dụng Quỹ bình ổn cho tất cả mặt hàng xăng.

Điều này đồng nghĩa, mặc dù giá cơ sở đang thấp hơn giá bán, song người tiêu dùng vẫn không hề được lợi do mức chi Quỹ bình ổn. Lẽ ra, mỗi lít xăng có thể giảm thêm khoảng 1.000 đồng từ việc chênh lệch giá.

Trao đổi riêng với phóng viên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng đang có những bất cập trong việc sử dụng Quỹ bình ổn, chi hoa hồng cho đại lý, cơ chế 15 ngày điều chỉnh giá, minh bạch giá đầu vào…

Vừa qua có một vài thông tin cho rằng DN xăng dầu đang lãi cao khi chi đậm hoa hồng cho đại lý, trong khi giá lại giảm nhỏ giọt. Vậy theo ông bất cập ở đây là gì?

Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức hiện nay là 1.050 đồng/lít, bao gồm chi phí cho đại lý. Song thay vì khống chế như trước đây, quy định hiện cho các DN được chi tùy ý. Cũng có thông tin một vài DN trong phía Nam chi rất cao, đó là nghe nói vậy thôi, còn thực tế cụ thể phải có số liệu.

Việc chi đậm hoa hồng là để thu hút đại lý nhiều hơn. Song chi phí kinh doanh chỉ được giới hạn ở mức trên, nên nếu chi nhiều thì lợi nhuận DN càng thấp. Nhưng dù có thế nào thì theo quy định, DN cũng được hưởng lợi nhuận định mức với 300 đồng/lít rồi.

Do đó, cần phải xem xét lại chi phí hoa hồng trong kinh doanh xăng dầu và chi phí lợi nhuận định mức, đã hợp lý chưa? Nếu thực tế DN chi hoa hồng cho đại lý nhiều, thì phải giám sát. Tại sao anh chi mức như vậy, trong khi chi phí kinh doanh của anh chỉ là 1050 đồng/lít thôi?

Vậy theo ông có trường hợp giá thế giới lên mà giá trong nước chưa điều chỉnh kịp thì DN bị lỗ như một vài lần DN “kêu” trước đây?

DN không bao giờ lỗ. Vì tổng mức chi cho chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức là 1.350 đồng/lít. Trường hợp DN chi hoa hồng cao thì lợi nhuận sẽ giảm, nên sẽ không phải DN nào cũng chi hoa hồng cao nếu chỉ lãi ít hay lỗ.

Tuy nhiên, có những thủ thuật của DN xăng dầu mà mình chưa thể nắm được hết, nên cần phải giám sát chặt chẽ.

Vậy làm thế nào để biết đích xác các khoản lãi của DN xăng dầu, thưa ông?

Cơ cấu giá bán lẻ đã rất rõ rồi, gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức…

Nên nếu DN xăng dầu lãi cao hơn định mức 1350 đồng, thì cần phải xem xét bóc tách và giám sát từng khâu. Bởi không thể lấy Quỹ bình ổn ra để tạo lãi, nên có phải chăng là do giá đầu vào. Có thể có trường hợp DN tính giá nhập khẩu cao lên.

Hiện ta đang nhập chủ yếu ở Singapore, nhưng không phải DN nào cũng nhập ở đấy, mà nhập ở những thị trường khác nữa. Hoặc có thể DN nhập nhiều, là bạn hàng lớn thì sẽ có được giá thấp hơn.

Do đó, để minh bạch giá đầu vào cần phải có đấu thầu và cạnh tranh thực sự, không phải tính theo giá ở Singapore.

Có thông tin cho rằng cơ chế điều chỉnh giá 15 ngày đang tạo cơ sở cho DN trục lợi như găm giữ hàng, ém hàng khi giá tăng. Theo ông có khả năng này hay không?

Các yếu tố trên giá bán lẻ đã rõ rồi, giờ chỉ còn giá đầu vào. Nên để kinh doanh có lãi, hưởng lợi được thì DN phải đón đầu trước xu thế giá thế giới, tính toán trên cơ sở điều hành 15 ngày.

Vấn đề là, phải rút ngắn tần suất tính giá bình quân, thì sẽ hợp lý hơn. Chứ còn để 15 ngày như hiện nay thì việc DN lợi dụng để làm tăng lợi nhuận sẽ là hiển nhiên thôi.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên