MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện mỗi năm sẽ phải tăng 5% để “cõng” 6.600 tỷ đồng lỗ tỷ giá của EVN

Số dư vay nợ của EVN hiện là rất lớn lên đến 7,4 tỷ USD và các khoản này đều do Chính phủ bảo lãnh cho EVN vay lại

Đó là khẳng định của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, riêng khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2010 đã là 15.000 tỷ đồng và tính đến 31/12/2011, tổng số chênh lệch tỷ giá đã qua kiểm toán là 26.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã cho phép EVN phân bổ các khoản lỗ còn treo lại từ năm 2011 trở về trước vào giá điện. Như vậy, trong vòng 4 năm từ nay đến 2015, đối với chênh lệch tỷ giá, mỗi năm EVN phải phân bổ 6.600 tỷ đồng vào giá điện.

Theo tính toán của EVN, trong điều kiện kinh doanh bình thường, tỷ giá không biến động thêm thì mỗi năm giá điện vẫn phải tăng thêm 5% thì mới có thể “cõng” được khoảng lỗ tỷ giá 6.600 tỷ đồng/năm.

Ông Tri cho rằng, lỗ chênh lệch tỷ giá là yếu tố rất khách quan. Trong khi các DNNN khác như PetroVietnam, Vinaconex, Lilama không thấy được bù chênh lệch tỷ giá thì EVN lại được bù, nghe có vẻ không công bằng.

Tuy nhiên, giá bán ra của các doanh nghiệp trên là theo giá thị trường nhưng giá bán điện của EVN lại chưa thể vận hành theo giá thị trường.

Điển hình như có giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào như: dầu, than… tăng giá mạnh nhưng EVN không thể tăng giá điện.

Hay như việc tỷ giá biến động EVN không thể tính vào giá thành chính vì thế mới phát sinh khoản lỗ 26.000 tỷ đồng còn treo lại và Chính phủ mới phải có cơ chế bù cho EVN.

Trong khi đó, số dư vay nợ của EVN hiện là rất lớn lên đến 7,4 tỷ USD và các khoản này đều do Chính phủ bảo lãnh cho EVN vay lại. Nếu không bù tỷ giá này thì Chính phủ lấy đâu ra tiền để trả cho nước ngoài (?).

Tại các nước, tất cả các DN điện đều phải bù chênh lệch tỷ giá vào giá điện và người tiêu dùng phải chịu.

Giải thích thêm về quyết định tăng giá điện vừa qua (từ ngày 1/7/2012), ông Tri phân tích: Nếu nhìn bề ngoài thì thấy nhiều yếu tố thuận lợi như nước về nhiều nên thủy điện có ưu thế, phụ tải tăng chậm, trời mát hơn nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng thấp.

Tuy nhiên, nếu cho rằng vì thế mà phải giảm giá điện, nhìn đơn lẻ như vậy thì sẽ không thể xử lý bài toán giá điện hiện nay.

Vì ngoài các yếu tố đó, chúng tôi có khoản treo chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ, rồi lỗ kinh doanh điện 11.000 tỷ đồng, đó là một gánh nặng, không xử lý thì sau này sẽ rất khó.

Theo ông Tri, doanh thu từ tăng 5% giá điện từ 1/7 dự kiến tăng thêm 3.700 tỷ, như vậy, chúng tôi còn lại 3.300 tỷ sẽ bù trừ vào chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, ông Tri nhấn mạnh, giải quyết vấn đề tài chính cho EVN không phải mỗi tăng giá điện, mà còn đồng bộ cả việc thu xếp vốn.

Tỷ lệ nợ ngân hàng hiện nay của EVN đã trên 3 lần. Ở nhiều dự án điện, vốn đối ứng của EVN là không có. Hầu như 100% vốn đều là đi vay, trong đó, 85% vay nước ngoài, 15% vay ngân hàng thương mại trong nước (dưới sự bảo lãnh của Chính phủ).

“Chính phủ chỉ đạo không được để xảy ra tình trạng bị thiếu điện, chính vì thế EVN đang phải gồng mình để đảm đương nhiệm vụ đó, dưới sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về tài chính của Chính phủ” – ông Tri nói.

Nguyên Khang

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên