MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá khám, chữa bệnh có thể tăng gấp 5 lần

Câu hỏi được đặt ra là việc chuyển đổi có làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và liệu có xảy ra tình trạng tăng phí, tăng giá vô tội vạ?

Ngày 10.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp và cho ý kiến về Dự luật Phí và Lệ phí. Theo dự luật, sẽ chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ. Câu hỏi được đặt ra là việc chuyển đổi có làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và liệu có xảy ra tình trạng tăng phí, tăng giá vô tội vạ? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi chủ trì thảo luận đã nhấn mạnh: Cái gì là phí, lệ phí thì phải thật minh bạch, rõ ràng; cái gì thuộc về giá thì phải đưa lên cơ chế giá.

Người bệnh sẽ gánh đủ giá dịch vụ y tế

Dự thảo luật phí và lệ phí đưa ra khỏi danh mục phí 18 khoản, trong đó có một số khoản phí đáng chú ý như học phí, lệ phí công chứng, phí vệ sinh, phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá, phí đấu thầu, phí kiểm định đo lường chất lượng... Đặc biệt, theo dự luật này, viện phí tới đây cũng sẽ chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.

Theo đó, giá dịch vụ y tế nếu tính đủ như phân tích của BS Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) - có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Ví dụ, chi phí chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 460.000 đồng/lần hiện nay lên 0,9 - 1 triệu đồng/lần. Hay giá khám bệnh sẽ tăng gấp 5 lần, từ 20.000 đồng lên đến 100.000 đồng. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng.

Theo BS Nguyễn Ngọc Hiền, việc tự chủ tài chính đối với BV công sẽ giúp các BV có thể triển khai xã hội hóa việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao. Tự chủ tài chính cũng giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao thu nhập nên thái độ phục vụ sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), số lượng BV tự chủ tài chính còn thấp, hiện mới có 9/1.188 BV công lập được giao quyền tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động. Hiện giá dịch vụ y tế được tính vào 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, gồm chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Theo lộ trình, trong năm 2015 tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế; đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

“Tất nhiên khi chuyển sang thu theo cơ chế giá dịch vụ, giá viện phí sẽ tăng cao từ việc tính đủ chi phí song cũng phải thấy được mặt tích cực của sự chuyển đổi này là sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, BV phải phục vụ người bệnh tốt mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ” - ông Liên nói.

Cân nhắc thu học phí sang giá dịch vụ

Trao đổi với PV về việc lợi hay hại khi chuyển từ thu học phí sang thu theo giá dịch vụ, ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - cảnh báo, việc này cần đề phòng tình trạng thương mại hóa trường học. Theo ông, chủ trương đưa ra phải gắn với lộ trình cụ thể, quy định cụ thể và có sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ vô tình biến việc “thả nổi” giá dịch vụ thành tình trạng thương mại hóa trường học.

“Nếu để các trường tự chủ về tài chính, mức học phí không những cần có những quy định cụ thể mà cần làm rõ tiền đó để làm những việc gì? Thu, chi thế nào? Có chủ trương cổ phần, chia cổ tức không hoặc các hạng mục sẽ được dùng để đầu tư lại trường học như thế nào? “Mọi thứ phải hết sức rành mạch, nếu không sẽ vô cùng lộn xộn, nguy hiểm và tiền sẽ chỉ rơi vào túi một nhóm người mà học sinh, sinh viên lại không được hưởng lợi” - ông Phạm Minh Hạc phân tích.

Cũng theo vị này, chưa thể khẳng định có ủng hộ chủ trương dịch vụ hóa học phí hay không, bởi để làm được, Nhà nước cần hài hòa giữa yếu tố xã hội hóa, phát triển đầu tư và việc đầu tư cho các dịch vụ công đối với các cấp học phổ cập. Theo ông, cần làm rõ khái niệm “dịch vụ công” trong câu chuyện học phí, bởi một khi dịch vụ hóa các cấp học từ thấp đến cao sẽ là vấn đề ảnh hưởng đến đối tượng người dân không hề nhỏ.

“Không nên biến loại hình phí này theo mức giá dịch vụ hoạt động theo cơ chế thị trường, trường thu về bao nhiêu phải cam kết đầu tư lại cho nhà trường, giáo viên và học sinh bấy nhiêu chứ không phải thu để chia nhau. Cần có “bàn tay” chỉ đạo hài hòa của Nhà nước, nếu không sẽ rất nguy hiểm!” - ông nói.

 

* Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều người dân cho rằng việc chuyển từ thu phí cứng nhắc sang giá dịch vụ sẽ cho họ có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như phí công chứng. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một văn phòng công chứng (VPCC) trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), văn phòng này làm rất nhiều dịch vụ công chứng với giá rất khác nhau, như công chứng tiếng Việt 5.000 đồng/trang, tiếng Anh 20.000 đồng/trang.

Trong khi đó, giá công chứng tại phường Dịch Vọng Hậu cách đó vài trăm mét chỉ là 2.000 đồng mặt/bản cho tất cả các loại. Anh Nguyễn Văn Thắng (trú tại khu tập thể Sư phạm, Cầu Giấy, Hà Nội) - người thường xuyên phải công chứng giấy tờ - cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ việc này, bởi nếu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn, mặt khác các VPCC cũng phải cạnh tranh để hút khách hàng, qua đó sẽ giảm phiền hà cho người dân.

* Về lo ngại việc chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ có làm tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho hay, việc này sẽ khó xảy ra bởi với một số ngành đặc thù, Nhà nước sẽ quy định mức giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng, quy định khung giá đối với dịch vụ sử dụng theo Luật Giá.

“Việc chuyển đổi chỉ áp dụng với các loại phí có khả năng xã hội hóa cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác, vì vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không lo bị móc túi” - ông Thi trấn an.

Theo Nhóm PV

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên