MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng tăng: Điều hành thuế bất hợp lý

Ở Việt Nam, thuế phí chiếm hơn 40% trong cơ cấu giá xăng, tác động rất lớn đến giá bán lẻ.

Trong vòng một tháng, giá bán lẻ xăng dầu đã được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng 3.150 đồng/lít. Đi kèm với đó là các biện pháp giảm thuế nhập khẩu và xả quỹ bình ổn giá. Thế nhưng phương án điều chỉnh giá cả hai lần này của liên bộ bị các chuyên gia và dư luận phản ứng, không đồng tình. Đặc biệt là việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường 300% (3.000 đồng/lít) và neo thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng.

Nhằm tăng thu ngân sách?

Bộ Tài chính lý giải phương án điều hành thuế nhập khẩu lần này là để hạn chế đà tăng giá của xăng dầu. Việc tăng cường các giải pháp trong điều chỉnh thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu lần này được liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán chi tiết, đảm bảo giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu không tăng đột biến, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), không đồng tình với quan điểm điều hành trên của Bộ Tài chính. Ông Long cho rằng Bộ Tài chính đang muốn áp dụng các biện pháp để tăng thuế, đảm bảo lợi ích tăng thu ngân sách. “Hai lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, giá thế giới tăng ở mức cao khiến giá bán lẻ trong nước tăng theo là điều dễ hiểu. Song đáng lẽ ra khi giá thế giới tăng cao, cơ quan quản lý nên sử dụng các công cụ điều hành khác hợp lý, hài hòa để giảm gánh nặng giá cho người tiêu dùng. Đằng này Bộ Tài chính lại tăng thuế môi trường và giữ thuế nhập khẩu xăng” - ông Long bức xúc.

Ông Long cho rằng mức chênh lệch giá cơ sở bán lẻ của xăng cao nhất (2.200 đồng/lít) so với các mặt hàng dầu (500 đồng/lít). Xăng là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng phần lớn đến người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng Bộ Tài chính lại chọn phương án chỉ giảm thuế nhập khẩu dầu mà vẫn giữ nguyên mức thuế suất đối với xăng. Đây là điều rất bất hợp lý.

Thuế nhập khẩu xăng là nguồn thu lớn cho Nhà nước. Bộ Tài chính chỉ muốn giành lợi ích cho mình thông qua điều hành thuế, đem bất lợi cho tiêu dùng” - ông Long nêu quan điểm.

Vì lợi ích của doanh nghiệp?

Bên cạnh đó, một điều bất hợp lý được ông Long chỉ ra là liên bộ so sánh giá xăng của Việt Nam với Lào và Campuchia. Giá bán lẻ của mỗi nước có sự khác nhau phụ thuộc vào các chi phí cấu thành giá cơ sở như thuế và phí. Ở Việt Nam, thuế - phí chiếm hơn 40% trong cơ cấu giá, tác động rất lớn đến giá bán lẻ khi tới tay người tiêu dùng. “Nếu so sánh giá với các nước khác, các bộ nên lấy giá xăng dầu ở Mỹ để làm đối sánh. Bởi hiện tại giá xăng ở Mỹ dao động chỉ 16.000 đồng/lít, trong khi đây là thị trường có sức cạnh tranh thực sự” - vị chuyên gia này phân tích thêm.

Ngoài ra, theo ông Long, lần điều chỉnh này liên bộ quyết định giảm mức chi quỹ bình ổn giá vì sợ quỹ bình ổn bị âm. Nếu xả quỹ mạnh tay thì sẽ khiến các doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn. Ông Long cho rằng cách điều hành giữ thuế xăng, giảm xả quỹ bình ổn hình như chỉ đem lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp xăng dầu?

Chiều 21-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, cho biết giá xăng dầu tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào biến động giá dầu trên thế giới và phụ thuộc vào quỹ bình ổn giá cũng như mức thuế nhập khẩu của Việt Nam. Việc tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh vì xăng dầu là yếu tố đầu vào với nhiều ngành, đặc biệt chiếm tỉ trọng lớn đối với vận tải.

Hiện việc cân đối ngân sách nhà nước trong năm nay hết sức khó khăn, nợ công cao đến cuối năm nay lên tới 64% GDP, sát trần 65% mà Quốc hội cho phép. Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm chính sách thu, cân nhắc hạn chế không điều chỉnh giảm thu ngân sách nhà nước một cách không cần thiết. Cùng với đó, trong bốn tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất thấp (tăng 0,04%), đây là điều kiện cũng là cơ hội cho phép Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng tác động đến sản xuất, đời sống nhưng không làm tăng giá đột biến, ảnh hưởng tới tiền lương thực tế của người lao động.

HOÀNG VÂN

- Từ ngày 21-5, Bộ Tài chính đã điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu xăng dầu ở các mức khác nhau. Xăng RON 92/95, xăng sinh học (E5, E10) giữ nguyên mức 20%. Mặt hàng dầu hỏa giảm từ 20% xuống 13%; dầu mazut giảm từ 13% xuống 10%; dầu diesel giảm từ 12% xuống 10%.

- Bộ Tài chính cũng cho biết thời gian gần đây giá xăng dầu thế giới biến động tăng liên tục. So sánh bình quân 15 ngày trước đó thì giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm đã tăng mạnh từ 4,17% đến 7,92%. Điều này khiến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu chênh lệch so với bán lẻ. Cụ thể, xăng RON 92 có mức chênh 2.254 đồng/lít; xăng E5 hơn 2.089 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 1.070 đồng/lít; dầu hỏa 782 đồng/lít; dầu mazut 3.5S: 1.127 đồng/kg.

Theo Trà Phương

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên