MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam

Thiếu công nhân lành nghề để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là mối lo của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam thiếu nhân lực nghiêm trọng trong những lĩnh vực khoa học-công nghệ cao, những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đối với hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh với thế giới.

Thiếu công nhân lành nghề để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là mối lo của Việt Nam. Một bộ phận không nhỏ nguồn nhân lực qua đào tạo có khuynh hướng “nặng về lý thuyết, nhẹ về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp”...

Một phần nguyên nhân của thực trạng này chính là do Việt Nam chưa tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển nhân lực cấp quốc gia nên việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển nhân lực còn gặp khó khăn.

Để khắc phục tình hình nêu trên, Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đã chỉ rõ mỗi bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Bản thân các doanh nghiệp và tổ chức cũng phải có kế hoạch phát triển nhân lực của riêng mình.

Bản đề án về Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 do các bộ, ngành xây dựng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối chính đã đưa ra mục tiêu: tăng nhanh tỷ lệ nhân lực được đào tạo trong toàn nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 23,5 triệu người (bằng 77%), năm 2020 khoảng 34,4 triệu (bằng 78,5%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục đào tạo năm 2015 khoảng 7 triệu người (bằng 23%), năm 2020 khoảng 9,4 triệu (bằng 21,5%).

Bản đề án này cũng đưa ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức khoảng 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%; ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88%.

Theo đó, giải pháp cho phát triển nhân lực đến năm 2020 sẽ là tăng đầu tư phát triển để hiện đại hoá có trọng tâm, trọng điểm cho hệ thống đào tạo nhân lực; xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực theo mục tiêu ưu tiên.

Đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực cũng là một trong những giải pháp nhằm phát triển nhân lực trong giai đoạn sắp tới.

Đối với việc huy động vốn từ người dân, Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh để tăng cường huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển đào tạo nhân lực, góp vốn, mua công trái, hình thành các loại quỹ khuyến học của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo ngay tại doanh nghiệp để tiến tới doanh nghiệp phải trở thành lực lượng chủ đạo về đào tạo nghề.

Ngoài ra, với việc huy động các nguồn vốn nước ngoài, cần tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển nhân lực.

Căn cứ vào nhu cầu phát triển nhân lực nói chung, quy mô đào tạo và dạy nghề nói riêng, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực cả thời kỳ 2011-2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 800 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.335 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 dự kiến khoảng 1.225 - 1.300 nghìn tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 475 - 500 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 750 - 800 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu Tư, về cơ bản, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào công cuộc phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020 bên cạnh một số nguồn lực khác./.

Theo Đỗ Huyền

Tamnhin.net

duclm

Trở lên trên