MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?

Mỗi năm, Việt Nam tiêu tốn hàng chục tỉ USD cho việc nhập khẩu phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp. Đây hiện đang trở thành một gánh nặng lớn cho nền kinh tế.

Theo các nhà quản lý kinh tế, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang phải đối mặt với các điểm yếu như bất cập về nhận thức, thiếu vốn và công nghệ, hạn chế đầu tư Nhà nước. Những yếu tố này đang góp phần khiến bài toán phát triển hệ thống ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta khó giải quyết hơn.

Song song với đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại có thói quen sản xuất tích hợp theo chiều dọc, nghĩa là mọi quá trình tạo ra sản phẩm đều được khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Điều đó đã dẫn tới giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là quy mô nhỏ, không có nhiều vốn. Chính vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết lại với nhau“.

Ở thời điểm hiện tại, hoạt động thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia về đầu tư, với nhu cầu kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ vệ tinh đang được xem là cơ hội lớn để phát triển hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ các ngành doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng này quá thấp, nếu có cùng chỉ là những sản phẩm hàm lượng công nghệ thấp.

Đưa ra giải pháp cho quá trình phát triển hệ thống ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc phân tích: "Hệ thống các nhà cung ứng hỗ trợ thường chia thành nhiều cấp như cấp 1, cấp 2, cấp 3... Nếu một lúc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam trở thành những nhà cung ứng cập 1 cho các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới là việc rất khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp của chúng ta với quy mô nhỏ chỉ có năng lực quản trị, tài chính cũng như công nghệ thấp, do vậy, hãy bắt đầu từ việc trở thành những nhà cung ứng ở cấp thấp nhất đi lên".

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển nếu không có một nền công nghiệp phụ trợ hoàn thiện, bởi chủ động sản xuất sẽ quyết định được sức cạnh tranh của giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng. Điều đó càng đòi hỏi các nhà quản lý kinh tế phải nhanh chóng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay.

 

PV

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên