MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ “rào cản” chi hoàn thuế GTGT

Giữ đúng lời hứa, ngày 14-3-2016, Bộ Tài chính đã sửa đổi một loạt chính sách thiếu đồng bộ và không còn phù hợp để tháo gỡ vướng mắc cho việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Động thái này một lần nữa khẳng định sự cầu thị cũng như nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ quan này.

Chậm hoàn phần lớn do khách quan

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

Triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giảm tần suất khai thuế, ứng dụng CNTT trong kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử. Số lần khai thuế GTGT đã giảm từ 12 lần/năm còn 4 lần/năm. Thuế TNDN trước đây DN phải khai 4 lần và quyết toán 1 lần/năm, nay chỉ quyết toán 1 lần/năm,...

Năm 2016, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp cải cách, điện tử hóa khâu hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro; xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế và làm tốt công tác giải quyết vướng mắc khó khăn cũng như trả lời kịp thời, công khai những phản ánh của DN.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2016, 3.100 hồ sơ hoàn thuế GTGT do DN gửi đến cơ quan Thuế cơ bản đã được giải quyết hết với tổng số 13.000 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Trong số đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn thuế là 287 hồ sơ.

Việc chậm hoàn thuế đối với 287 hồ sơ nói trên phần lớn là do nguyên nhân khách quan vì hồ sơ hoàn thuế của các DN này không đảm bảo các quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Cụ thể: DN mua hàng hóa của DN không có thực, DN không còn hoạt động sản xuất kinh doanh đã phá sản hoặc giải thể, DN bị đóng mã số thuế hoặc không được sử dụng chứng từ,… Nói cách khác hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng,… của các DN này không hợp lệ và không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoàn thuế. Một số DN không thanh toán qua ngân hàng, hồ sơ hoàn thuế đó đang bị cơ quan điều tra thì chưa thể hoàn, đợi khi có kết luận điều tra mới được thực hiện hoàn thuế GTGT. Như vậy, các DN chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thuế thì cơ quan Thuế không thể thực hiện nghiệp vụ này.

Bên cạnh đó, một số DN chậm hoàn thuế GTGT do gặp phải 2 nguyên nhân chủ quan. Phân tích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trường hợp thứ nhất có khoảng 20 DN do chưa trả nợ tiền thuế nên không được hoàn thuế. Về nguyên tắc, DN nợ ngân sách Nhà nước và ngân sách Nhà nước cũng cần phải hoàn thuế cho DN. Nhưng trên thực tế, do chưa có quy định cho bù trừ nên DN vẫn phải nộp hết tiền nợ thuế mới thực hiện hoàn thuế GTGT.

Trường hợp thứ hai là do kinh phí hoàn thuế. Thứ trưởng khẳng định rằng: “Kinh phí hoàn thuế của toàn bộ ngành Thuế là không thiếu. Hiện kinh phí này trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng tỉnh thừa tỉnh thiếu”. Có thể ví dụ, hiện nay, TP.HCM chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế nhưng Hà Tĩnh số dư tài khoản quỹ này lại còn trên 1.100 tỷ đồng. Điều này dẫn đến một số địa phương không đủ kinh phí để hoàn cho DN trên địa bàn.

Tháo nút thắt kịp thời

Nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng chậm hoàn thuế GTGT cho DN, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã cam kết, Bộ Tài chính sẽ gấp rút sửa đổi một số quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Và ngày 14-3-2016, Bộ Tài chính đã chính thức có công văn số 3357/BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý chi hoàn thuế GTGT theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện cam kết này.

Điểm đầu tiên đáng quan tâm đó là việc bãi bỏ quy định không cho hoàn thuế nếu còn nợ thuế. Điều này đồng nghĩa với việc người nộp thuế sẽ được bù trừ số thuế còn nợ với số tiền thuế được hoàn theo hướng dẫn tại Điều 59 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.

Theo quy định tại Điều 59 Thông tư 156, người nộp thuế (NNT) có số thuế được hoàn phải bù trừ nợ thuế (nếu có) và Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN được hạch toán qua NSNN. Quy định này tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ thuế được bù trừ khi có số tiền thuế được hoàn, tuy nhiên, đã tạo sự chờ đợi, ỷ lại của NNT (không nộp nợ mà chờ số thuế hoàn để bù trừ), nên tại điểm 4 công văn 13822/BTC-TCT đã quy định NNT không được hoàn thuế nếu còn nợ thuế.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định nêu trên. Như vậy, NNT sẽ tiếp tục được bù trừ số thuế còn nợ với số tiền thuế được hoàn theo hướng dẫn tại Điều 59 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Một quy định khác cũng được bãi bỏ là giám sát ưu tiên chi hoàn thuế GTGT. Kể từ thời điểm này, Tổng cục Thuế chỉ phải giám sát hồ sơ giải quyết hoàn thuế đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế GTGT. Thời gian qua, thực hiện quy định giám sát ưu tiên chi hoàn thuế, ngoài việc giám sát các hồ sơ thuộc diện ưu tiên, Tổng cục Thuế còn phải trả kết quả giám sát và thông báo cho Cục Thuế biết đối với những hồ sơ không đủ thông tin xác định ưu tiên chi hoàn thuế cũng như những hồ sơ chưa đảm bảo đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế.

Trong khi đó, thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 204/2015/TT-BTC đã có hiệu lực thi hành, Tổng cục Thuế lại có trách nhiệm thẩm định hồ sơ hoàn thuế có đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế trong thời hạn 6 giờ làm việc. Quy định mới sẽ giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ đồng thời đảm bảo công bằng giữa các DN.

Quy định chuyển các hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước sang kiểm tra trước - hoàn thuế sau cũng được bãi bỏ. Trước đây, nhằm tăng cường kiểm tra trước hoàn thuế, Bộ Tài chính đã quyết định bổ sung các tình huống mà hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau Cục Thuế phải chuyển sang diện kiểm tra trước khi hoàn thuế.

Quy định này đã đảm bảo chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT, tuy nhiên, làm tỷ lệ hồ sơ kiểm tra trước hoàn tăng cao, trong điều kiện nguồn lực của cơ quan Thuế còn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến chậm giải quyết hoàn thuế cho NNT, gây phản ứng cho một số DN. Bãi bỏ quy định này, ngành Thuế sẽ chuyển sang thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau/kiểm tra trước hoàn theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính về việc không phân bổ dự toán hoàn thuế cho các Cục Thuế, quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế, cơ quan này đang trao đổi với các đơn vị liên quan về cách thức thực hiện. Do quy định phân bổ dự toán hoàn thuế GTGT được quy định tại Thông tư số 150/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế từ quỹ hoàn thuế GTGT. Do đó, phải sửa Thông tư này. Để đảm bảo tính khả thi, Tổng cục Thuế sẽ trình dự thảo Thông tư sửa đổi trước 20-3-2016.

Với những sửa đổi nói trên, về cơ bản, những “lỗi” chậm hoàn thuế GTGT do chính sách chưa đồng bộ đã được Bộ Tài chính kịp thời giải quyết để tháo nút thắt cho DN.

Theo Hồng Vân

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên