MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS.TS Vương Đình Huệ: Kinh tế Việt Nam 2015 nhiều cơ hội để bứt phá

Kinh tế đã đi vào ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thương mại sẽ tạo đà cho kinh tế đi lên. Song, cơ hội vẫn luôn song hành cùng thách thức, ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Thưa ông, năm 2014 được đánh giá là kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ít biến động tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất vẫn chưa hết khó khăn do sức cầu giảm, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự vực dậy, ông có thể lý giải vì sao?

GS.TS. Vương Đình Huệ: Nhận định chung về tình hình kinh tế năm 2014 là kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2013, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội trước đó đề ra (7%, sau xuống 6%).

Xung quanh mức lạm phát thấp có nhiều ý kiến trái chiều, đã có ý kiến lo ngại về tổng cầu thấp, sẽ dẫn đến thiểu phát. Theo chúng tôi, tốc độ tăng tổng cầu năm nay chỉ chậm lại chứ không giảm.

Từ giữa năm, do giá dầu thế giới giảm mạnh, tác động đến chỉ số CPI do tỷ trọng giá xăng dầu, nhiên liệu, giao thông ở Việt Nam chiếm rất lớn trong rổ tính chỉ số CPI. Bên cạnh đó, tổng cầu năm nay tương đối thấp, chi tiêu công được kiểm soát và thắt chặt.

Tập quán chi tiêu của người dân đã thay đổi, không còn tâm lý “no dồn đói góp”, tích trữ hàng hóa… Thứ hai là, thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn, lãi suất huy động và cho vay xoay quanh mức 8-9%/năm, tỷ giá VND/USD ít biến động đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nằm trong số 5 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thế giới, dự trữ ngoại hối tăng mạnh…

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đối với kinh tế năm 2014 dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra trong 2015. Thứ nhất, một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, nhất là cân đối thu - chi ngân sách…

Đặc biệt, việc giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống sẽ khiến ngân sách bị hụt thu. Nếu chúng ta có cơ cấu hợp lý: Chi thường xuyên khoảng 50%, chi cho đầu tư phát triển khoảng 25-30%, còn lại 15-20% cho trả nợ,  là đẹp.

Nhưng hiện nay, cân đối ngân sách đến năm 2014 chi cho bộ máy, cho con người, chi thường xuyên lên tới 67-68% rồi, phần còn lại cho đầu tư, phần cho trả nợ rất ít. Mỗi khi tăng lương, tỷ trọng chi cho lương mà ngân sách phải trả tăng lên, nhưng tổng ngân sách không đổi.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm.

Thứ ba, là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, qua báo cáo của Tổng cục Thuế thì số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có thuế thu nhập để nộp thuế chỉ khoảng 30% thôi.

Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta còn cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Bên cạnh đó, nợ xấu còn cao, xử lý chậm và chưa hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Gần đây trên nhiều diễn đàn kinh tế lớn, đặc biệt là diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đề cập trực diện đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng như ông nhận định là tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa như kỳ vọng; mô hình tăng trưởng chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư?

Theo đánh giá của chúng tôi thì quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Đi sâu vào từng lĩnh vực thì tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong năm 2014, đã có những bứt phá rõ nét được thấy rõ từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15, tháo gỡ điểm mấu chốt để giúp cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn được nhanh chóng.

Trong đó, có đề nghị của Ban kinh tế Trung ương về việc cho phép áp dụng cơ chế thoái vốn theo thị trường, đồng thời phải đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch, tăng cường khâu giám sát.

Nhờ vậy, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn nhanh hơn.  Xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả bước đầu. Tái cơ cấu đầu tư công cũng đang triển khai đúng hướng, giảm dần được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên.

Nếu như giai đoạn 2006- 2010, chỉ số Icor của toàn bộ nền kinh tế là 6.96 thì ước tính giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn khoảng 6.5 cho cả giai đoạn 5 năm.

Nhờ vậy, chúng ta đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với mức lãi suất thấp hơn dự kiến (4,8%) và cũng là mức lãi suất thấp nhất từ trước tới nay.

Về dài hạn, thì điểm quan trọng nhất có phải là cần làm rõ được mô hình tăng trưởng? Qua nghiên cứu, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất, xác định mô hình tăng trưởng là mô hình dựa trên năng suất và hiệu quả, với 5 tiêu chí chính được định dạng.

Phương thức thực hiện mô hình là kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, tăng trưởng chiều sâu là hướng chủ đạo. Đồng thời trong thời gian tới, một số ngành thâm dụng nhiều lao động vẫn phải tiếp tục phát triển như dệt-may, da-giày.

Chỉ khác là chúng ta đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào, tăng quản trị doanh nghiệpđể gia tăng chuỗi giá trị. Về chiến lược tăng trưởng, cần chú trọng cả về đầu tư, xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.

Một vấn đề nữa, hiện tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn chuyển dịch cơ cấu lao động, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp.

Mặc dù lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 47%, nhưng cư dân nông nghiệp của cả nước là khoảng 70%. Bình quân, GDP tính trên đầu người thấp.

Như vậy, mô hình tới đây chúng ta phải hết sức đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng, năng suất - chất lượng - hiệu quả, giảm dần việc sử dụng lao động vốn rẻ, khai thác tài nguyên và tăng trưởng chủ yếu thâm dụng vốn sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học và công nghệ, đầu tư cho khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế trí thức và đổi mới sáng tạo.

Theo ông, chúng ta cần có biện pháp đột phá nào để khâu thực thi chính sách hiệu quả, làm gì để nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững?

Năm 2015, theo tôi, biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh khâu thực thi chính là phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan.

Trong việc tái cơ cấu nền kinh tế có biểu hiện chậm trễ, vừa rồi Quốc hội cũng ra nghị quyết, đặt trọng tâm thúc đẩy việc tái cơ cấu và tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 110 của Ban Bí thư đã nói: Cán bộ, đảng viên phải luôn nêu gương, đi trước. Nhiều địa phương làm hay lắm, “5 xây” - “3 chống”, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ có những chuyển biến ngay, chứ còn cơ chế chính sách có giỏi mấy mà thực thi kém, thì lại đâu vào đấy.

Năm 2015, đánh dấu việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu với việc nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác có hiệu lực, GS.TS đánh giá như thế nào về năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của VN? Liệu doanh nghiệpViệt Nam có tận dụng được cơ hội từ các hiệp định này không?

Theo nhận định của chúng tôi, năm 2015 cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố, sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.

Năm 2015 là năm Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Cộng đồng kinh tế ASEAN, đang đàm phán Hiệp định TPP. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không nhỏ.

Tôi thấy rất lạ là trong khi nhiều nhà hoạch định, giáo sư hàng đầu kinh tế quốc tế hỏi tôi về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhưng xem ra các doanh nghiệpViệt Nam lại chưa chú ý đến nhiều.

Họ quan tâm nhất là khi tham gia AEC rồi thì lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam đến năm 2018 ra sao? Đến năm 2015 có khoảng 93% số dòng thuế nhập khẩu ở mức thuế suất 0% và 7% số dòng thuế còn lại sẽ chuyển về mức 0% vào ngày 1/1/2018.

Nếu AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường thống nhất cỡ khoảng 650 triệu dân, khoảng gần 2.000 tỷ GDP, tức là đứng thứ 7 trên thế giới (tính về GDP); riêng thị trường ôtô lớn thứ 4 thế giới…

Nói điều này để thấy rằng, nếu chúng ta có năng lực cạnh tranh tốt thì hưởng lợi rất nhiều hàng hóa của chúng ta sẽ đi vào các nước ASEAN, nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì rủi ro Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực là rất hiện hữu.

Tôi tin là doanh nghiệpViệt Nam làm được. Qua theo dõi, tôi thấy có một điều rất thú vị là chúng ta cứ âm thầm lặng lẽ như vậy để hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, đến năm 2015, Việt Nam đã đi được 80% chặng đường cắt giảm thuế quan, với tốc độ cắt giảm khá nhanh, nhưng kinh tế vĩ mô chúng ta vẫn ổn định, thu ngân sách vẫn hoàn thành, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển chiếm lĩnh thị trường một số nước trong khu vực.

Doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với thị trường rất nhanh. Năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề… được ban hành chính thức có hiệu lực, liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ đã và đang đặt mục tiêu đưa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngang bằng mức bình quân của ASEAN 6 vào năm 2015, nhất là trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; tiếp cận điện năng, đất đai…

Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, đề ra chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo quyết liệt như thế nào để năm 2015, chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội để bứt phá.

Xin trân trọng cảm ơn GS.TS.

Theo Hồng Quân

PV

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên