MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Phòng: Dự án trăm tỷ tan thành... nước, vì đâu?

Đã hơn 10 năm trôi qua, Dự án Khu kinh tế TNXP Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng vẫn chỉ là những hạng mục dang dở, xuống cấp, hoang tàn.

Cùng với đó, gần 100 TNXP ngày ấy giờ vất vưởng, thất nghiệp, bị quỵt nợ tiền công.

Dự án “khủng”... trên mây

Đầu năm 2001, Tổng đội TNXP Hải Phòng được giao thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế thanh niên tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng với nhiều hạng mục, công trình khác nhau. Trong đó, lớn nhất là hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng cho thanh niên lập nghiệp và hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm xuất khẩu được đầu tư gần 43 tỷ đồng tại khu vực bãi bồi trong và ngoài đê biển quốc gia.

Tính tới tháng 11/2001, dự án nói trên đã được phê duyệt hơn 32 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách do Nhà nước gần 17,25 tỷ đồng, vốn do chủ đầu tư khai thác là 15 tỷ đồng với diện tích sử dụng 126ha nhắm tới mục tiêu là tạo vùng nuôi tôm nguyên liệu tập trung, phục vụ chế biến xuất khẩu của Hải Phòng và thu hút lực lượng thanh niên chưa có việc làm đến lập nghiệp.

Vào thời điểm đó, ít ai có thể nghi ngờ về ý nghĩa nhân văn của dự án và hàng chục tỷ đồng được rót cho ban quản lý. Các hoạt động tuyên truyền, quản lý được triển khai rầm rộ khiến cho người dân các xã ven biển của huyện Tiên Lãng vô cùng vui mừng, phấn khởi vì làng quê nghèo sắp được thay da đổi thịt, đời sống người dân sẽ dần được khấm khá hơn.

Khu nhà ở TNXP xuống cấp nghiêm trọng.

Rồi nữa, gần 100 TNXP đến từ các xã trong huyện theo tiếng gọi của Đoàn đã nô nức đổ về, gia nhập Tổng đội để cùng chung sức, chung lòng đồng hành cho công cuộc khai hoang, lấn biển. Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm khởi công (năm 2002), Tổng đội TNXP Hải Phòng đã không cáng đáng nổi và dự án buộc phải chuyển giao cho Tổng đội TNXP 13/5 tiếp tục cuộc hành trình (cả 2 tổng đội này đều trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng).

Từ năm 2004, Dự án mới nhúc nhắc đi vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật với hàng chục các đầu mục đầu tư xây dựng khác nhau. Tất cả đều được quyết toán bằng những con số rất lớn kinh phí đầu tư. Song giá trị sử dụng trên thực tế thì gần như không bởi sự thiếu đồng bộ về tổng thể.

Thi công dở dang rồi để đó, các hạng mục vừa kém chất lượng, vừa... “cãi” nhau dần xuống cấp, trở lại với những ngày đầu hoang hóa. Tới thời điểm này, nhà công vụ, trạm bơm, cống tiêu thoát nước… đều đã hư hỏng; một số hạng mục khác bị bỏ dở giữa chừng. Tuy nhiên chỉ có con kênh dẫn nước dài hơn 1km được đào song song với đê biển còn có tác dụng, phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân.

Giải thích việc này, ông Lương Phùng Thảo – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 13/5 Hải Phòng cho biết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm trên đây được “hoàn thành” vào cuối năm 2006 và đến năm 2007 đã được bàn giao cho huyện Tiên Lãng quản lý, khai thác.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố trong quá trình tiếp nhận cũng như do vướng mắc khâu quyết toán nên đến đầu năm 2010, dự án mới chính thức được thành phố và Thành đoàn Hải Phòng bàn giao cho UBND huyện với thực trạng như đã miêu tả. Trong thời gian từ năm 2007 -2010, diện tích đầm thuộc dự án được thanh niên tranh thủ nuôi trồng thủy sản...

TNXP lần lượt rũ áo ra về

Có thể nói, dự án trên được lập ra với bao sự hứa hẹn về một tương lai tươi sáng. Nghe tiếng gọi của Đoàn, gần 100 TNXP của huyện Tiên Lãng đã rời nơi ăn chốn ở, có người đã bán nhà để đến với ngôi nhà chung tham gia lao động, sản xuất và mơ ước được mưu sinh tại Khu kinh tế thanh niên xung phong Vinh Quang.

Sau vài năm đem hết tuổi thanh xuân và sức trẻ ra xây dựng dự án, rồi một ngày, họ đã chợt thấy quyền lợi không được bảo đảm do dự án ngừng hoạt động, thậm chí tiền công không được thanh toán đầy đủ. Và rồi, hầu hết các thanh niên “rũ áo” trở về quê, thậm chí, nhiều người đã phải tha hương tìm kế sinh nhai, lập nghiệp.

Tìm về khu nhà ở TNXP tập trung (tạm gọi là làng TNXP) tại xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng – một điểm trong Dự án cơ sở hạ tầng cho thanh niên lập nghiệp có mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng, chúng tôi tận mắt chứng kiến thực trạng lãng phí về kinh phí đầu tư cùng bao công sức của tuổi trẻ. Tất cả giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đặc biệt công trình nhà văn hóa đã bị kẻ xấu đập phá, lấy sắt, thép…

Hiện, khu nhà chỉ còn 7 hộ gia đình TNXP đang sinh sống. Họ đều là lớp thanh niên tham gia dự án năm 2001. Giờ đây, cuộc sống của họ vẫn mong manh như những ngày đầu cách đây hơn chục năm về trước. Anh Nguyễn Văn Qua, 33 tuổi, quê ở xã Quyết Tiến (Tiên Lãng), tham gia TNXP năm 2001 cho biết, đã lập gia đình với một nữ TNXP khác là Lương Thị Hoàn.

Năm 2007, sau khi Tổng đội TNXP giải thể, bàn giao dự án cho huyện Tiên Lãng, vợ chồng Qua được chuyển hộ khẩu vào xã Tiên Hưng. Căn nhà 24m2 mà vợ chồng anh đang sống có thể bị thu hòi bất cứ lúc nào. Không đất để sản xuất, hàng ngày cả 2 phải đi làm thuê, cuốc mướn. Cuối năm 2011, chính quyền xã yêu cầu phải chuyển đi nơi khác để phục vụ một dự án mới nhưng mọi người đã phản đối.

Một cựu TNXP khác - chị Nguyễn Thị Mai quê ngay tại xã Vinh Quang, hiện đã 30 tuổi tâm sự, năm 20 tuổi, chị gia nhập TNXP xây dựng khu kinh tế thanh niên tại đây. Công việc ngày đó vô cùng vất vả. Đào đất đắp đầm, san nền, xây dựng nhà ở, trụ sở, làm đường công vụ. Vì tinh thần xung kích, mọi người không đòi hỏi bất cứ một chế độ nào. Cơm ăn chủ yếu là lạc rang, muối vừng; mỗi tháng được nhận một khoản phụ cấp là 20 nghìn đồng. Chị bảo, nhìn dự án bị bỏ hoang thế này, xót lắm.

Có rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra từ Dự án Khu kinh tế TNXP Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng. Cái được chưa là bao nhưng cái mất lại quá lớn so với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Nhiều người dân trong huyện Tiên Lãng có thâm niên lâu năm về nuôi trồng thủy sản đều cho rằng, dự án thất bại như hôm nay bởi chính những người lập dự án và thực hiện không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Và nữa, công tác quản lý, giám sát trên nhiều lĩnh vực của dự án có rất nhiều những lỗ hổng cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm

Theo Giang Linh

CAND

cucpth

Trở lên trên