MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng ngàn lao động mất việc vì Vinashin

Việc thua lỗ của Tập đoàn Vinashin và sự lãng phí của những con tàu nằm đắp chiếu, các dự án nghìn tỉ dở dang…; nhưng điều còn đáng nói hơn là hàng ngàn người lao động bị mất việc.

Điều này đồng nghĩa với nguồn năng lượng to lớn đang bị vứt bỏ.

Như thời khốn khó...


Hải Phòng vốn được coi là “thủ phủ” của Vinashin - một trong những trung tâm đóng tàu lớn nhất trên toàn quốc. Điều này được thể hiện bằng việc một loạt “anh cả” như đóng tàu Bạch Đằng, Sông Cấm, Phà Rừng, Nam Triệu, Bến Kiền... từng đóng những con tàu trọng tải tới 53.000 tấn. Đáng tiếc là thời hoàng kim của Vinashin quá ngắn ngủi.

Giờ đây, tất cả các nhà máy, công xưởng của Vinashin tại Hải Phòng đều trong tình trạng thưa vắng công nhân và không khí ảm đạm bao trùm bởi hàng vạn LĐ mất việc làm. Cuộc sống của họ thực sự rơi vào hoàn cảnh bi đát.

Ghé thăm căn nhà bé tí tẹo của anh P.V.N - một công nhân của TCty Công nghiệp Tàu thuỷ Bạch Đằng tại P.Hạ Lý, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng - vào bữa ăn chiều tối. Mâm cơm của gia đình họ chỉ có một đĩa rau luộc, ít lạc rang cùng người vợ xanh xao chửa vượt mặt và đứa con gái hơn 3 tuổi.

Anh N cho biết: Hai vợ chồng họ cùng làm trong TCty, nhưng chỗ chị vợ phải nghỉ không lương từ đầu năm, “còn tôi thì tuần làm tuần nghỉ. Từ đầu năm đến nay, Cty chưa thanh toán lương''. Tháng trước, anh được tạm ứng 1,7 triệu đồng, còn tháng này chỉ được 800 ngàn đồng, không đủ một phần nhỏ cho sinh hoạt gia đình. “Nhiều tháng nay, bố mẹ tôi phải trích tiền lương hưu để “tiếp tế” cho vợ chồng con trai, còn gia đình vợ ở quê hằng tháng phải gửi gạo và rau lên cho con cháu” - anh H nói.

Nhiều tháng qua, anh Trần Quốc Thanh - công nhân TCty Nam Triệu - gửi đơn khắp các cơ quan chức năng kiến nghị, yêu cầu Cty chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thế nhưng không hề có hồi âm, đồng nghĩa với việc anh không được phía bảo hiểm thanh toán trợ cấp thất nghiệp vì đã quá hạn.

Anh Thanh cho biết, anh làm việc tại phân xưởng vỏ 1 của TCty Nam Triệu năm 2002 với bậc nghề 5/7. Lương chỉ hơn 1 triệu đồng, đành phải nghỉ, ra may đồ da cho một Cty tư nhân. Mong muốn của anh là được Cty thanh toán nốt số tiền lương còn nợ, chốt sổ BHXH, với hy vọng “sau này Cty có việc làm,tôi quay lại mà khỏi bị thiệt thòi”- anh Thanh nói.

Dù sao thì anh Thanh cũng còn may mắn hơn một đồng nghiệp trẻ cùng nghỉ việc là Nguyễn Văn Tuyến (29 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng). Tuyến cho biết: “Cty chưa thanh toán nốt tiền lương và trả sổ BHXH cho em. Em học ngành vỏ tàu, nhưng bây giờ em chỉ mong được làm lao động phổ thông thôi, chứ ngành đóng tàu có còn đơn vị nào tuyển người nữa đâu ”.

Anh D - kỹ sư thuộc Cty Phà Rừng - sau 5 năm cần mẫn theo nghề, cuối cùng vẫn thất nghiệp. Hiện anh đang nộp đơn xin việc tại KCN Nomura, công việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành máy tàu từng được đào tạo.

Chưa có lối ra

Ông Đào Nguyên Huấn - Chủ tịch CĐ TCty Bạch Đằng - cho biết: Mong mỏi lớn nhất của người lao động Cty bây giờ là Nhà nước nhanh chóng thông qua đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, để có kế hoạch sử dụng nguồn lao động. Những ai phải nghỉ thì phải giải quyết chế độ, quyền lợi cho họ, để họ còn tìm việc làm mới.

Trong số các đơn vị đóng tàu thì Nam Triệu là đơn vị có đông công nhân nhất. Lúc cao điểm, toàn TCty có đến vạn người, là nơi những con tàu 53.000, 56.000 tấn ra đời.

Đây cũng là đơn vị nợ BHXH nhiều nhất trong ngành, số lao động phải giảm cũng đông nhất (7.000 người), nợ lương nhiều nhất. Bà N - nhà ở cạnh Cty - cho biết: Khi công nhân còn đông, gia đình bà mở hàng bán cơm, thuê 3 người phục vụ, nhưng bây giờ công nhân về quê hết nên phải nghỉ bán. Nhiều người bị Cty nợ lương, đến ăn chịu, hứa cuối tháng sẽ trả nhưng rồi thất nghiệp, biến về quê sạch, bà N mất hơn chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Hùng Kiên - Trưởng phòng Tổng hợp, Cty TNHH MTVcông nghiệp tàu thuỷ Phà Rừng - bày tỏ quan điểm: Hiện tại, ngành đóng tàu đang hết sức khó khăn. Phà Rừng đang thực hiện chính sách khuyến khích NLĐ nghỉ việc dài hạn để họ tự lo công việc trong lúc Cty đang khó khăn. Khi nào Cty phục hồi sản xuất sẽ kêu gọi NLĐ trở lại làm việc.

Nhưng thực tế, trong đề án tái cơ cấu, Cty chỉ được phép giữ lại khoảng 2.000 lao động, 1.000laođộngkhác sẽ phải chấm dứt hợp đồngvĩnh viễn. Cũng theo ông Kiên, một lượng lớn chất xám- tài nguyên con người đã bị lãng phí mà không phải một sớm một chiều có được. Hơn nữa, khối tài sản mà Vinashin đã đầu tư hiện ở các cơ sở sản xuất nếu không sớm được tái cơ cấu, sử dụng một cách nghiêm túc sẽ còn tiếp tục lãng phí thê thảm nữa.

Theo Hoàng Hoan
Lao động

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên