MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng nghìn tấn hàng ùn ứ tại cảng Nghi Sơn

Suốt từ chiều qua đến trưa nay (17.10), tại khu vực cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hoá), hàng nghìn tấn hàng của nhiều doanh nghiệp vận tải đang bị ùn ứ do bất đồng giữa đơn vị quản lý cảng và các doanh nghiệp.

Trong số hàng nghìn tấn hàng đang ''vạ vật" chờ trước cổng cảng Nghi Sơn, có gần 2.000 tấn ximăng của Tổng Cty CP Hợp Lực đang chờ xuống tàu chở đi Quy Nhơn.

Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do đơn vị quản lý cảng đòi tăng phí trung chuyển lên mức 45.000 đồng/tấn hàng hóa. Ngược lại phía các doanh nghiệp vận tải cho rằng, trong thời gian chưa đầy 10 tháng, phía cảng Nghi Sơn đã tăng phí tới ba lần và tăng cao nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam là rất bất hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh- tỏ ra rất bức xúc trước việc tăng phí vào thời điểm này của phía cảng Nghi Sơn.

Theo ông Đệ thì hiện nay, các nhà máy ximăng đăng phải thực hiện chính sách kích cầu, khuyến mãi, giảm giá vì mặt hàng này đang bị tồn đọng, bởi việc xây dựng các công trình trên cả nước gặp nhiều khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Thế nhưng đơn vị sở hữu, quản lý cảng Nghi Sơn lại đường đột tăng giá phí vào thời điểm này, khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, khó khăn chồng chất.

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, đến 13 giờ chiều nay (17.10), có hàng chục chiếc xe tải chở hàng nghìn tấn ximăng đang nối đuôi nhau đậu tại khu vực gần cổng cảng Nghi Sơn chờ xuống hàng. Song phía cảng Nghi Sơn vẫn chưa có động thái nào tỏ rõ sự hợp tác với phía các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đệ khẳng định: “Việc làm bất hợp lý của phía cảng Nghi Sơn đã vi phạm điều khoản ký kết trong hợp đồng kinh tế. Đáng lẽ, nếu có tăng phí chăng nữa thì phía cảng phải tính toán một cách hợp lý và áp dụng vào thời điểm thích hợp. Nhưng họ không nghĩ tới để có sự chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp vận tải, các nhà máy sản xuất đang cố gắng tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động”.

Trước đó- vào tối 16.10, phía cảng Nghi Sơn đã đồng ý làm việc với các doanh nghiệp vào lúc 22 giờ đêm, nhưng khi mà đại diện doanh nghiệp mòn mỏi đợi chờ thì các lãnh đạo cảng Nghi Sơn vẫn bặt vô âm tín, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Diễn biến vụ việc, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trên báo Lao Động số ra ngày mai (18.10), sau khi giữa các doanh nghiệp vận tải và phía cảng Nghi Sơn dự kiến có cuộc làm việc vào lúc 15 giờ chiều 17.10.

Theo Anh Tuấn

Lao động

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên