MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy tưởng tượng, một Việt Nam không có hội nhập!

Quyết tâm hội nhập đã mang đến nhiều thành công cho Việt Nam với những cơ hội chưa từng có. Song vẫn còn những cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ và nếu biết tận dụng thì thành quả của hội nhập sẽ lớn hơn nhiều…

Sau hiệp định thương mại (FTA) đầu tiên được ký kết với ASEAN vào năm 1995, đến nay Việt Nam đã ký hàng loạt các FTA song phương, đa phương. Tuy nhiên, dấu mốc hội nhập được xem là quan trọng nhất là khi gia nhập WTO, Việt Nam tham gia sân chơi chung toàn cầu với 150 nước, với một luật chơi mang tính ràng buộc pháp lý cao.

Bởi vậy, Việt Nam phải điều chỉnh một cách tổng thể thể chế kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng được xem là nền tảng cho Việt Nam khi tham gia vào các FTA thế hệ mới như Việt Nam – EU, TPP. Những Hiệp định này có tác động rất lớn đến thể chế kinh tế Việt Nam, đòi hỏi phải quyết liệt cải tổ nền kinh tế để khai thác được những cơ hội, đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Hội nhập là con đường đi đúng hướng đã làm thay đổi hoàn toàn Việt Nam sau 30 năm đổi mới. Thử tưởng tượng nếu Việt Nam không hội nhập sâu rộng, vươn mình ra khu vực và thế giới, làm bạn, làm đối tác với nhiều quốc gia, thì diện mạo của một đất nước đi lên từ chiến tranh, của những con người một thời chỉ biết cầm súng, sẽ không thể có nhiều thay đổi như hiện nay.

Thay đổi ngoạn mục trong xuất khẩu

TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng một dấu ấn quan trọng nhất mà hội nhập mang lại cho Việt Nam đó là gia tăng xuất khẩu. Có hai mốc hội nhập quan trọng tác động đáng kể đến xuất khẩu đó là khi tham gia ASEAN và ký hiệp định BTA Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000.

Nếu như trước năm 1995 các nhà lãnh đạo Việt Nam còn lưỡng lự tham gia ASEAN vì đây là hiệp định FTA đầu tiên VIệt Nam tham gia và lo sợ những tác động tiêu cực của việc mở cửa thị trường khi hàng hóa trong nước kém tính cạnh tranh và ngân sách có thể bị thâm hụt do giảm thuế.

Tuy nhiên, thực tế mở cửa những năm sau đó đối với khu vực ASEAN cho thấy nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng như lo ngại khi ngân sách không bị ảnh hưởng đáng kể, thị trường trong nước không bị hàng hóa ASEAN tràn ngập, trong khi xuất khẩu của Việt Nam đi các nước trên lại tăng trưởng nhanh chóng.

Dẫn chứng, nếu như năm 1995 gia nhập ASEAN thì xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường mới này chỉ đạt 1 tỷ USD, thì đến năm 2000 con số này là 8,6 tỷ USD và đạt 18,5 tỷ USD năm 2013.

Mốc hội nhập thứ hai đáng chú ý tác động mạnh đến xuất khẩu là việc ký kết BTA với Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2000. Đây là hiệp định đặt ra nhiều khó khăn với các nhà lãnh đạo Việt Nam, khi ký kết FTA với một quốc gia có vị thế đặc biệt, đứng đầu thế giới, có thể làm đảo lộn tập quán kinh tế Việt Nam, hoặc thậm chí là có thể tác động tiêu cực đến kinh tế.

Tuy nhiên, việc hội nhập với một nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại thành quả cho Việt Nam khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và xuất khẩu đi Hoa Kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau khi ký kết. Năm 2000, năm ký kết BTA xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt hơn 700 triệu USD thì 5 năm sau, con số này đã lên tới 6 tỷ USD và đến năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD. Việt Nam cũng luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ và đây là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong năm 2014.

…. Và những cú hích đầu tư FDI

Hội nhập cũng tạo nên những làn gió mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Là một thị trường mới nổ và nhiều tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công rẻ và dân số lớn với lực lượng lao động trẻ, Việt Nam đã thu hút được nhiều đầu tư FDI.

Nhìn lại lịch sử thu hút FDI, có thể thấy rõ hai làn sóng đầu tư là giai đoạn 1991 – 1997 và sau khi gia nhập WTO vào năm 2007. Nhiều tập đoàn tên tuổi lớn thế giới đã vào Việt Nam với hàng loạt các dự án tỷ USD, tạo nên chuỗi giá trị liên kết cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khu vực FDI đã có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, trước hết trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu tính trung bình giai đoạn 2001 – 2005, khu vực FDI chỉ mới chiếm 16% vốn đầu tư toàn xã hội thì giai đoạn 2006 – 2010 là 24,7% và 3 năm gần đây có giảm xuống 21,9%. Tương ứng, đóng góp của FDI cho GDP giai đoạn 2001 – 2005 chỉ là 14,6%, thì giai đoạn 5 năm tiếp theo con số này tăng lên là 18,1% và hai năm 2011 – 2012 đóng góp trung bình ở mức 18,5%.

Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cũng đã ngày càng tăng lên, từ mức 50,9% trung bình giai đoạn 2001 – 2005 lên mức 55,6% giai đoạn 2006 – 2010 và đạt 62,6% giai đoạn 3 năm gần đây. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chọn Việt Nam như một địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA mà Việt Nam tham gia.

Nộp ngân sách của khu vực FDI cũng có xu hướng ngày càng tăng, nếu năm 2001 nộp ngân sách của FDI mới chỉ dừng lại ở 373 triệu USD thì năm 2005 đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tăng lên 3 tỷ USD năm 2010 và đạt 5 tỷ USD vào năm 2013, đóng góp 13% tổng ngân sách quốc gia năm 2013. Ngoài ra, khu vực FDI cũng tạo việc làm, tăng từ 1 triệu việc làm năm 2005 lên 2 triệu việc làm năm 2011 và 2013 là 2,2 triệu việc làm.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên