MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời cho không, địa phương sẽ phải vay lại Chính phủ vốn vay nước ngoài?

Chỉ có khoảng hơn 7% nguồn vốn vay của nước ngoài được Chính phủ cho các địa phương vay lại, đã khiến cho trách nhiệm của việc sử dụng nguồn vốn vay chưa được phát huy đầy đủ, tạo gánh nặng nợ công lên ngân sách.

Đó là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh” sáng ngày 10/12.

Theo ông Long, thời gian qua việc huy động nguồn vốn vay nước ngoài để cho vay lại và cấp phát ngân sách Nhà nước rất là lớn. Trong đó, trong 10 năm qua mỗi năm tổng cho vay lại có 1/3 về địa phương và 2/3 trung ương với khoảng 15 tỷ USD cấp cho chính quyền địa phương. Như vậy, có trên 92% cấp phát và khoảng 7% cho vay lại các địa phương.

Quen "cho không", "trợ cấp": Sử dụng không hiệu quả

Trong khi đó, nguồn thu ngân sách địa phương hạn chế, thậm chí có địa phương chỉ đảm bảo được chi thường xuyên nhưng nhu cầu đầu tư phát triển lớn. Nguồn vốn vay được sử dụng chủ yếu vào việc cấp phát cũng đã khiến cho hiệu quả đầu tư chưa cao khi nhiều địa phương xem đây là nguồn “trợ cấp”.

Trong điều kiện ngân sách trung ương hạn chế, chỉ có thể hỗ trợ cho địa phương trong khả năng hiện có. Do đó, ông Hùng cho rằng trước tình trạng nợ công tăng cao, khi năm 2015 đạt 59,6% GDP và sắp chạm ngưỡng Quốc hội phê duyệt là 65%; chỉ số trả nợ do Chính phủ vay so với thu Ngân sách Nhà nước sắp chạm ngưỡng an toàn (25%), thì việc chia sẻ thông qua hình thức cho địa phương vay lại là cần thiết.

“Hình thức này giúp đảm bảo công bằng ngân sách Trung ương và địa phương với nhau. Chúng tôi muốn xác lập sự bình đẳng giữa các địa phương với nhau, địa phương có nguồn thu lớn, đầu tư nhiều thì phải chia sẻ với Trung ương và địa phương nghèo thì được ngân sách chia sẻ nhiều hơn” – ông Hùng nói.

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới WB, dự kiến giai đoạn 2017 – 2018 Việt Nam sẽ tốt nghiệp hoàn toàn IDA, nên sẽ chỉ được nhận những nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Do đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị tích cực cho sự chuyển đổi này để đảm bảo phân bổ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho đầu tư.

Theo đó, cùng với việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước 2015, cho phép địa phương bội chi, cách xác định mức trần, đại diện WB khuyến khích cần có sự chuyển đổi về cơ chế sử dụng vốn vay của Trung ương và địa phương trên cơ sở minh bạch hơn, đảm bảo khả năng chi trả trong tương lai có tính bền vững hơn.

“Cần thay đổi tư duy của địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn. Từ việc được thoải mái cấp phát thì phải có trách nhiệm sử dụng nguồn vay nợ” – Bà Quyên nói.

Nâng trách nhiệm sử dụng vốn vay của địa phương

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng nghĩa, tư vấn pháp lý, cũng cho rằng việc hoàn thiện pháp lý về cho vay lại với các địa phương là cần thiết. Bởi hiện nay nguồn vốn vay ưu đãi ngày càng thu hẹp, nợ công tăng cao, việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra yêu cầu đề cao hơn trách nhiệm của các tỉnh.

Trước tình hình đó, được biết trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý cho vay lại đối với chính quyền địa phương và đẩy mạnh cho vay lại thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

Theo đó, các vấn đề đặt ra như hoàn thiện cơ sở pháp lý, yêu cầu công khai minh bạch về quyền vay lại và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đảm bảo hỗ trợ công bằng của trung ương với địa phương, tránh thực trạng ODA không tính trong hạn mức trợ cấp cho địa phương và phân bổ không đồng đều như hiện nay, phân cấp ra quyết định phải gắn với trách nhiệm.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại sử dụng nợ Chính phủ, hạn chế cấp phát, giúp địa phương chủ động chuyển hướng dần khi ODA giảm dần, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thương mại.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên