MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hình thành khu vực thương mại tự do song phương Việt - Nhật

Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai nước đều được tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, nguyên liệu và hàng hoá một cách hiệu quả nhất.

Sự kiện ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã tạo dựng nền tảng chắc chắn cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do song phương, trong đó hàng hoá, vốn, công nghệ, lao động sẽ được lưu chuyển thông thoáng, thuận lợi.

Ngày 25/12, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Ông Phan Thế Ruệ, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh sự kiện đặc biệt quan trọng này.

Ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt - Nhật trong những năm qua?

Theo tôi, đó là những bước phát triển tích cực. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2000. Năm 2008, con số này dự kiến sẽ vượt 16 tỷ USD, phá mốc 15 tỷ USD vào năm 2010 mà hai chính phủ dự kiến đề ra.

Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2008, tổng vốn FDI đăng ký của Nhật Bản đạt trên 17 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước có đầu tư tại Việt Nam và là nhà đầu tư hàng đầu với 4,8 tỷ USD xét về vốn thực hiện.

Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc ký kết Hiệp định VJEPA này?

Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai nước đều được tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, nguyên liệu và hàng hoá một cách hiệu quả nhất.

Đáng chú ý là lần đầu tiên, chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với ta để sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, xác lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai nước.

Trong thời gian 10 năm, Việt Nam và Nhật Bản sẽ hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh.

Rõ ràng, khi hiệp định được ký kết, lộ trình giảm thuế và giảm thuế ngay hàng của Nhật Bản vào Việt Nam thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế và hưởng lợi từ thị trường để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể xuất hàng vào Việt Nam tốt hơn. Riêng tính chất cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về về giá.

Được biết, theo hiệp định, các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hoá chất, linh kiện điện tử sẽ có mức cam kết tự do hoá mạnh mẽ nhất. Theo ông, các doanh nghiệp của Việt Nam thuộc những lĩnh vực trên cần chuẩn bị những điều kiện gì để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, vì đây là thị trường “khó tính”nhất về tiêu chuẩn, kỹ thuật?

Thuế giảm rất mạnh sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được hưởng lợi đó, các doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định, từng điều khoản đối với lĩnh vực mình quan tâm. Phải tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm sẽ xuất sang Nhật Bản, chẳng hạn thủy sản phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phải có giá cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác…

Ông có thể cho biết, cán cân xuất nhập khẩu của hai nước có ảnh hưởng thế nào trước và sau khi ký hiệp định?

Là người có nhiều năm chỉ đạo xuất khẩu thị trường Nhật Bản, tôi rất vui mừng khi thấy khoảng 5- 6 năm nay cán cân thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản luôn cân bằng. Thậm chí, năm 2008, Việt Nam còn có xu hướng xuất siêu. Việc sau hiệp định này có thay đổi như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Nhập khẩu thì không thể cấm nhưng nếu muốn chống nhập siêu thì phải tăng cường xuất khẩu.

Tôi dự đoán, với điều kiện của hiệp định này thì án cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản không có gì thay đổi dù ta mở cửa hàng công nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam rất nhiều, nhưng Nhật Bản cũng dành cho ta những điều kiện về hàng nông sản vào nước này.

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, lao động Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ hiệp định này, thưa ông?

Về vấn đề tiếp nhận lao động, Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam một khoản vay ODA lãi suất thấp để mỗi năm đào tạo khoảng 200-300 y tá Việt Nam tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, các y tá sẽ được làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Phía Nhật cam kết hỗ trợ xây dựng Hệ thống kiểm định tay nghề và Hệ thống cấp chứng chỉ cho y tá và hộ lý Việt Nam.

Vậy khi nào Hiệp định VJEPA chính thức có hiệu lực và được công bố rộng rãi?

Hiệp định này sẽ được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng sau khi Quốc hội hai nước thông qua và phê duyệt. Việt Nam và Nhật Bản đều thể hiện quyết tâm sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước để hiệp định VJEPA có hiệu lực ngay nửa đầu năm 2009, kịp thời đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lan Hương
Dân trí

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên