MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam: Loay hoay tìm lối đi

Hiện nay mới chỉ có 13 công ty CTTC trong đó 9 công ty thuộc hiệp hội CTTC Việt Nam với tổng số vốn điều lệ là 2.500 tỉ đồng và 4 công ty 100% vốn nước ngoài.

Loại hình cho thuê tài chính (CTTC) góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị phần về huy động và dư nợ cho thuê của các công ty CTTC vẫn còn khá khiêm tốn.

Ông Đàm Đức Long – Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam, cho biết, hiện nay có 13 công ty CTTC trong đó 9 công ty thuộc hiệp hội với tổng số vốn điều lệ là 2.500 tỉ đồng và 4 công ty 100% vốn nước ngoài.

Hoạt động của các công ty CTTC hiện nay đã dần đi vào nền nếp sau khi có các nghị định về tổ chức và hoạt động cùng các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động còn có một số hạn chế. Một số công ty chưa thành lập được hệ thống các chi nhánh cũng như chưa có định hướng chiến lược phát triển. Nhu cầu thị trường của loại hình này chưa được tập trung nghiên cứu. Điều đó cũng giải thích tại sao hình thành từ năm 1997 nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 9 công ty CTTC.

Vấn đề quyền được thu hồi tài sản khi bên thuê vi phạm hợp đồng cũng là một trong những vấn đề gây nhiều bàn cãi. Trên thực tế quyền này đôi khi rất khó thực hiện vì bên thuê thường không chịu giao tài sản, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan thi hành pháp luật.

Trong khi đó, hoạt động quảng cáo, tuyên truyền cho các công ty CTTC chưa được chú trọng. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn để đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị... nhưng thay vì đến các công ty CTTC để tìm sự giúp đỡ thì các doanh nghiệp này lại tìm đến ngân hàng để vay. Ngoài ra, một số đơn vị có chất lượng thẩm định chưa cao, dự báo phát triển ngành hàng chưa tốt, cơ cấu tài sản cho thuê chưa tính toán kỹ, có đơn vị cho thuê tập trung nhiều vào một loại tài sản, lên đến 70% tổng dư nợ.

Thời gian gần đây, mặc dù số dư nợ có tăng, nhưng số nợ quá hạn, nợ xấu ở một số đơn vị còn quá cao, đây là dấu hiệu báo động cho hoạt động CTTC. Năm 2011 cũng không khả quan hơn, mặc dù số dư nợ của hoạt động CTTC có tăng nhưng các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng và khả năng thu hồi nợ thấp. Tính đến hết quý I/ 2011, số dự nợ chỉ đạt 19.082 tỉ đồng, kém hơn so với thời điểm 31/12/2010.

Tìm lời giải cho vấn đề này, theo ông Đàm Đức Long, các công ty CTTC cần tận dụng triệt để những ưu thế của hoạt động CTTC, mở rộng các nghiệp vụ, phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ, nâng cao chất lượng thẩm định, nâng cao chất lượng phục vụ, áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới để đa dạng hóa các đối tượng khách hàng. Cần chú trọng quảng bá để hoạt động CTTC, cho thuê vận hành không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần có các cơ chế chính sách phù hợp để nghiệp vụ CTTC ngày càng phát triển.

Một số chuyên gia cho rằng, nên xem xét sửa đổi, bổ sung thêm các tiêu chí để nhận biết giao dịch CTTC và cho thuê thông thường (cho thuê vận hành). Tăng thêm quyền cho các công ty CTTC được thu hồi ngay lại tài sản cho thuê mà không cần có phán quyết của tòa án khi bên thuê vi phạm các điều khoản của hợp đồng cho thuê.

Theo Vũ Điển

Báo Công Thương

duclm

Trở lên trên