MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động xúc tiến thương mại: “Bước đệm” cho xuất khẩu nhảy vọt

Hoạt động xúc tiến thương mại năm 2014 đã tiếp tục góp phần vào việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; củng cố, khai thác và phát triển thị trường nội địa; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giảm mức tồn kho.

Ngày 8/1, Cục Xúc tiến thương mại quốc gia (Bộ Công thương) đã tổ chức hội nghị Tổng kết chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014, đánh giá những kết quả đã đạt được và những khó khăn, thách thức.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Hoàng Linh – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại quốc gia cho biết “Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế VN gặp nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia mặc dù chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn, song đã đạt được nhiều kết quả quan trọng”.

Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia đã tiếp tục góp phần vào việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; củng cố, khai thác và phát triển thị trường nội địa; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giảm mức tồn kho.

Thống kê sơ bộ của Cục xúc tiến thương mại quốc gia cho thấy, năm 2014, chương trình đã hỗ trợ 7.682 lượt doanh nghiệp tham gia với 10.956 gian hàng; 285.285 lượt giao dịch; 2.211.546 lượt khách thăm quan, mua sắm; ký kết được các hợp đồng, biên bản ghi nhớ giá trị; doanh thu bán hàng đạt hơn 1,87 tỷ USD và 500 tỷ đồng.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD; tăng 13,6% so với năm 2013; cả nước xuất siêu gần 2 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 300.000 USD).

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 73,5% (tăng 1,6% so với cùng kỳ); nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 14,8% (giảm 1%) và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chiếm 6% (giảm 1,2%).

Mặc dù khủng hoảng kinh tế khiến sức mua trên thị trường thế giới suy giảm, nhưng trong năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đông Nam Á … vẫn giữ vững và đạt mức tăng trưởng cao.

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,5 tỷ USD; tăng 19,6% so với năm 2013. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Hoa Kỳ như: hàng dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm từ gỗ; điện tử, máy tính và linh kiện …

Tiếp theo là thị trường EU đạt 27,9 tỷ USD (tăng 14,7%) với các mặt hàng xuất khẩu chính như giày dép; hàng dệt may…

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2014, cả nước có 23 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; tăng 1 mặt hàng so với năm 2013 là hồ tiêu. Trong đó, có 16 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD bao gồm: thủy sản, hạt điều, cà phê, gạo, dầu thô, hàng dệt may, giày dép, điện thoại, máy vi tính …

Một điểm sáng của xuất khẩu năm 2014 là nhóm hàng nông sản, thủy sản với nhiều điểm tích cực. Kim ngạch xuất khẩu cả nhóm này tăng 12,6%; trong đó cả giá xuất khẩu và lượng xuất khẩu đều tăng (ngoại trừ cao su).

Bên cạnh đó, thị trường trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tăng 11% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 6,4%.

Cung cầu hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư; không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu hay khan hiếm hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác mở rộng mạng lưới bán hàng; tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa.

Những điểm sáng về xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014

Nguyệt Quế

 

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên